Doanh nghiệp thua lỗ sau hào quang xuất khẩu gạo
Theo tìm hiểu của Lao Động, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gạo đạt kỷ lục trên 8,1 triệu tấn, mang về gần 4,8 tỉ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đang vấp phải nghịch lý là càng xuất khẩu nhiều càng thua lỗ.
Chia sẻ với Lao Động, ông Lý Thái Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho hay, xuất khẩu lớn, nhưng nhiều DN lỗ bởi khi ký hợp đồng thì thấp nhưng đến lúc thu mua, chế biến thì giá đã tăng.
Ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Dương Vũ Rice cũng không giấu giếm: Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục trong vòng 30 năm trở lại đây, nhưng vì giá gạo tăng quá nóng nên nhiều DN không có lãi. Thậm chí nhiều DN thua lỗ vẫn phải “cắn răng” thực hiện hợp đồng để giữ uy tín với bạn hàng, để duy trì hoạt động của nhà xưởng…
“Thông thường, DN phải ký được hợp đồng xuất khẩu rồi mới được ngân hàng xem xét, cho vay tín dụng. Vay được tiền rồi thì giá gạo đã tăng bỏ xa giá đã ký kết. Có DN ký hợp đồng từ khi giá gạo ở mức 530 USD/tấn, đi thu mua thì giá đã lên 540 USD; ký ở mức 540 USD thì khi mua giá gạo đã lại lên 550-560 USD/tấn. Cứ ký đuổi như vậy và thua lỗ. Muốn lỗ ít thì phải thu mua thật nhanh, ví như 10 tấn gạo phải gom đủ trong 2-3 ngày thay cho một tuần, vì tuần sau giá gạo đã có thể tăng thêm cả chục USD. Cho nên giá gạo xuất khẩu tăng thì DN lo chứ không phải vui mừng như nhiều người lầm tưởng” – ông Nguyễn Quang Hòa giãi bày.
Đừng “đổ tiếng ác” cho thương lái, cò lúa
Theo đại diện một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Thái Bình (đề nghị không nêu tên), các hộ dân thu mua lúa ở khâu trung gian đã khiến giá lúa thu mua tăng lên, làm tăng thêm khó khăn của DN.
“Các hộ dân thu mua nhỏ lẻ đã nâng giá và đang “góp phần” phá vỡ hợp đồng của DN, đặc biệt là các DN bao tiêu sản phẩm” – vị đại diện doanh nghiệp này nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hòa – CEO Dương Vũ Rice lại có ý kiến ngược lại, cho rằng chính các cò lúa và thương lái góp nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa.
“Một đám ruộng sắp chín sẽ có tới hàng chục cò lúa “nhòm ngó”, cạnh tranh. Chỉ có cò lúa mới biết đám ruộng nào sắp chín và DN nào trả giá thu mua lúa cao nhất để kết nối nông dân với người mua. Chính vì đông người mua, cạnh tranh nhau nên “cò” nào cũng cố gắng trả giá cao nhất để dành được mối. DN thu mua nào cũng cố trả giá hấp dẫn để được cò lúa kết nối với người bán. Điều này giúp nông dân bán được với giá cao” – ông Hòa nhấn mạnh.
Còn theo CEO GLE Vũ Tuấn Anh, cả nước có 250 DN được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có khoảng 40-50% số DN có đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu, số còn lại hoặc xin cấp phép rồi để đó, hoặc làm vệ tinh thu gom lúa cho các DN “tốp” đầu về xuất khẩu gạo. Chính các DN này cũng cạnh tranh nhau, nên nông dân trồng lúa đang có lợi.
“Việc cạnh tranh này giúp nông dân bán được với giá cao, có lãi từ trồng lúa. Vì vậy, không nên đổ “tiếng ác” cho thương lái và cò lúa, cho rằng họ làm “loạn” giá thị trường” – ông Vũ Tuấn Anh phân tích.