Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam xác lập đỉnh mới
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bước sang tuần thứ hai của tháng 12.2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng thêm 8 USD/tấn so với tuần trước.
Ngày 8.12.2023, dù giảm 5 USD/tấn, nhưng gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn được chào bán trên thị trường thế giới ở mức 658 USD/tấn; gạo 25% tấm chào bán với giá 643 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan ở mức 598 USD/tấn, gạo 5% tấm ở mức 528 USD/tấn.
Gạo 5% tấm của Myanmar cũng được xuất khẩu với giá 613 USD/tấn.
Dù gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng nóng thêm 30 USD/tấn do nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines tăng mạnh, nhưng hiện tại giá gạo 5% tấm của quốc gia này ở mức 630 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 28 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Điều này có lợi cho nông dân, nhưng cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp không ít khó khăn, khó cạnh tranh về giá.
Ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ cho biết, thực tế các doanh nghiệp đang bán gạo với mức cao hơn mức VFA niêm yết. Nguồn cung hạn chế, giá lúa gạo ở thị trường nội địa cao khiến doanh nghiệp không thể bán với giá thấp để tránh thua lỗ.
“Hiện tại Dương Vũ Rice đang xuất khẩu gạo với giá 670-680 USD/tấn. Giá gạo đang ở mức cao, doanh nghiệp ký hợp đồng đến đâu bán đến đó là giải pháp an toàn nhất” – ông Hòa nói.
Tiềm năng xuất khẩu gạo vẫn lớn
Chia sẻ với Lao Động, ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phấn khởi cho hay, trong quý IV/2023, Trung An tiếp tục xuất gạo đi các nước châu Âu, Australia, Singapore, Dubai…, mỗi đơn hàng từ 3-10 container.
“Mặc dù hiện tại, việc bốc hàng tại Hàn Quốc bị gián đoạn do tuyết đang rơi khá dày, phải đóng nắp hầm hàng, nhưng chúng tôi có 1 tàu hơn 16.000 tấn gạo đang bốc tại cảng Busan, khoảng đến ngày 15.12.2023 là giao hoàn thành.
Đặc biệt, chúng tôi vừa ký 2 đơn hàng cho quý I/2024, trong đó một đơn 460 tấn với giá 785 USD/tấn và 1 đơn khác 1.012 tấn với giá lên tới 860USD/tấn. Cả hai đơn hàng này đều xuất khẩu cho thị trường Malaysia” – ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Các doanh nhân xuất khẩu gạo cũng khẳng định: Nguồn cung ít, nhu cầu thế giới cao nên giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục ở mức cao không chỉ trong năm nay. Nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới vẫn cao, nên cơ hội cho gạo Việt vẫn lớn.
Ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng, giá gạo xuất khẩu tăng một phần do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu khi Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến trước kỳ bầu cử năm sau (khoảng tháng 5.2024).
“Sản lượng gạo xuất khẩu bình thường của Ấn Độ bằng Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar cộng lại. Bên cạnh đó là yếu tố sự tác động của các yếu tố thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra cho các quốc gia những lo ngại về việc mất an ninh lương thực… là các yếu tố đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao” – ông Nguyễn Văn Đôn nhận định.
Thông tin của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, thương mại gạo toàn cầu năm 2024 dự báo ở mức 52,85 triệu tấn. Các nước Philippines, Indonesia… vẫn đẩy mạnh mua vào. Đặc biệt, Nigeria được dự báo sẽ nhập khẩu 2,1 triệu tấn gạo trong năm 2024, trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tăng cường xuất khẩu.
Được biết, tính đến hết tháng 11.2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 7,8 triệu tấn, kim ngạch 4,4 tỉ USD. Dự kiến sản lượng xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tháng cuối năm và Việt Nam có thể xuất khẩu vượt qua con số 8 triệu tấn gạo trong năm nay.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):
“Để đảm bảo hài hòa lợi ích của xuất khẩu và thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có chỉ thị giao nhiệm vụ cho các sở công thương, các đơn vị thuộc bộ, hiệp hội, doanh nghiệp theo dõi sát sao tình hình, đảm bảo cung ứng hàng hóa thị trường trong nước phù hợp với tình hình sản xuất cũng như tiến độ về mặt xuất khẩu. Đặc biệt, đảm bảo không bị thiếu nguồn cung giá gạo cũng như duy trì giá gạo bình ổn trên thị trường giai đoạn Tết Nguyên đán sắp tới”.