Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH
Xuất khẩu gạo của cả nước từ đầu năm đến nay tăng trưởng ấn tượng về số lượng lẫn giá cả, nhờ đó mà nông dân các tỉnh ĐBSCL bán lúa dễ dàng và được giá cao. Song, điều nghịch lý tồn tại nhiều năm qua khi nước ta được xem là một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo, tuy nhiên nông dân làm ra hạt lúa vẫn chưa giàu, vì sao?
Sản xuất nhỏ – khó trăm bề
Quy tụ nông dân vào hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn ở ĐBSCL là hướng đi cấp thiết hiện nay.
Chỉ tay vào ruộng lúa hơn 10 công của gia đình đang canh tác, anh Phạm Văn Sol (ngụ xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), bộc bạch: “10 công lúa này là tôi đi thuê của người khác với giá 4 triệu đồng/công/năm để sản xuất 3 vụ. Theo đó, vụ đông xuân là chủ lực bởi cho năng suất cao nhất khoảng 1.000kg lúa/công, nếu bán được giá trên 6.000 đồng/kg thì lời khoảng 4 triệu đồng/công, xem như đủ trả tiền thuê đất. Còn lại 2 vụ hè thu và thu đông, năng suất lúa thấp hơn, bình quân chỉ 700-800 kg/công, nên lời chỉ 2 triệu đồng/công/vụ…”. Cũng theo anh Sol, giá vật tư nông nghiệp bây giờ tăng cao, có loại phân bón như DAP tới 1 triệu đồng/bao (50kg), vì vậy các khoản chi phí đầu vào khá cao. Để giảm chi phí, nông dân phải bỏ công chăm sóc lúa từ gieo sạ đến thu hoạch, mới có thể “lấy công làm lời”.
Anh Lâm Văn Hiệp (ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), cho hay: “Tôi cũng như nhiều gia đình khác ở nông thôn có chưa đầy 5 công ruộng. Với diện tích đất ít ỏi, nếu canh tác cả 3 vụ mỗi năm kèm trúng mùa – trúng giá thì lời chỉ được khoảng 40 triệu đồng (vụ đông xuân lời 4 triệu đồng, vụ hè thu và thu đông lời 2 triệu đồng/vụ). 40 triệu đồng mà chia ra cho 4 người trong nhà (vợ chồng và 2 con), cộng với chi phí đi đám tiệc, học hành, chữa bệnh… không cách nào đủ được”. Anh Nguyễn Văn Nam (ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), nhìn nhận: “Đất ruộng bây giờ giá khá cao từ 150-200 triệu đồng/công nên những gia đình thuộc diện khó khăn không thể mua nổi. Vợ chồng tôi khi ra ở riêng, cha mẹ cho 3 công lúa sản xuất 3 vụ nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, phải làm thuê kiếm sống. Cũng do cuộc sống chật vật, thiếu vốn sản xuất; vì vậy mỗi khi gieo sạ lúa được 2-4 tuần là nhiều hộ bán sớm cho thương lái nhằm có tiền để tái đầu tư…”.
Vụ này nhiều ngày qua những thương lái ở Kiên Giang, An Giang, TP Cần Thơ… thu mua lúa hè thu vừa xuống giống vài tuần với giá khoảng 6.000 đồng/kg (đặt cọc 300.000 đồng/công), đến thời điểm thu hoạch nếu giá lên cao thì thương lái hưởng lợi, bởi họ đã đưa tiền trước.
Liên kết, hình thành vùng sản xuất lớn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL cho biết, bình quân mỗi hộ gia đình ở nông thôn canh tác khoảng 5 công ruộng, cộng với tình trạng sản xuất nhiều nơi vẫn còn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún; mỗi khi đến vụ mùa thì nông dân tự gieo sạ, sau đó tự tìm thương lái để bán, trong khi thiếu sự liên kết chặt chẽ từ đầu vào vật tư đến đầu ra sản phẩm, vì vậy lợi nhuận mà nông dân thu về không cao. Giải quyết bài toán này, việc quy tụ nông dân vào các hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định, lâu dài là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho hay: “Để nông dân khá lên từ cây lúa thì HTX là mô hình lý tưởng nhất, bởi khi vào đó các xã viên sẽ được hưởng lợi từ nhiều dịch vụ như bơm tát nước chung với tập thể, gieo sạ đồng loạt, phun thuốc đồng loạt, thu hoạch bằng máy cắt cũng đồng loạt… Ngoài ra, còn được hỗ trợ vật tư nông nghiệp với chi phí thấp, đầu ra hạt lúa lúc thu hoạch đã được doanh nghiệp bao tiêu nên nông dân không lo bị thương lái ép giá. Tóm lại, cái lợi của HTX là sản xuất tập trung quy mô lớn và làm đồng loạt nên chi phí giảm ở tất cả các khâu, năng suất và chất lượng lúa được tăng lên nhờ ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật; đặc biệt tiêu thụ ổn định, giá cao hơn bên ngoài, bởi có hợp đồng liên kết…”.
Đến nay Bình Thành là HTX có 100% hộ dân địa phương tham gia (khoảng 1.814 hộ); được đầu tư hoàn thiện 100% hệ thống bơm tưới bằng điện trên diện tích 1.180ha; đồng thời liên kết chặt với nhiều doanh nghiệp lớn về xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo đầu ra hạt lúa. Chính cách làm bài bản đó, nên lợi nhuận của các xã viên luôn đảm bảo”, ông Nguyễn Văn Đời nói.
Chúng tôi ra thăm cánh đồng rộng hơn 512ha của HTX đang xanh rì chạy ngút ngàn, ông Lê Minh Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết, đã mất nhiều năm để xây dựng HTX này trở thành hình mẫu của tỉnh. Theo ông Hải, địa phương có khoảng 95% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với tập quán làm nông tự phát, mỗi người sản xuất một giống, gieo sạ riêng lẻ không tập trung nên thường gặp khó trong thu hoạch và tiêu thụ. Trước đây có vụ khi thu hoạch xong thì tiền bán lúa không đủ chi phí phân thuốc, lúa giống, nhân công… vì vậy bà con không khá được. Hiện nay HTX thành lập đã giải quyết hàng loạt hạn chế trên… “Chính sự tổ chức sản xuất lại một cách bài bản, mỗi công đoạn được thực hiện đồng loạt không quá hai ngày, giúp chi phí đầu tư giảm; trong khi năng suất và chất lượng lúa tăng lên; nhờ đó lợi nhuận của các thành viên cao hơn 2,5-3 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác kiểu tự do. Thay đổi tư duy sản xuất nên đến nay 95% đồng bào dân tộc Khmer trong HTX đã thoát nghèo, hơn 50% là hộ khá, hộ giàu; các thành viên được chia lãi hàng năm từ 65% trở lên theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp…”, ông Hải chia sẻ.
Thực tế cho thấy, khi quy tụ nông dân vào HTX đã cộng hưởng nhiều dịch vụ giúp giảm chi phí, tăng giá trị hạt lúa; từ đó mới có lợi nhuận nhiều hơn. Đối với những nông dân có diện tích đất ít thì có thể cho thuê, sau đó tham gia làm dịch vụ tại HTX sẽ có thu nhập cao hơn. Đây cũng là cách “dồn đất lại” nhằm hình thành cánh đồng sản xuất quy mô lớn.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời, để triển khai canh tác lúa theo kỹ thuật hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng SRP (bộ tiêu chuẩn về sản xuất lúa gạo bền vững của quốc tế); sản xuất hữu cơ, chất lượng cao theo các thị trường xuất khẩu khó tính, nhằm phát triển bền vững chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo; đồng thời phát triển nền nông nghiệp xanh, giảm khí thải carbon, khí nhà kính, thì việc liên kết nông dân vào HTX là cấp thiết. Một khi có vùng sản xuất lớn thì doanh nghiệp mới dễ dàng trong hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Song song đó, triển khai chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường”, tổ chức thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất lúa, gồm truy xuất nguồn gốc, số hóa các giao dịch thanh toán, kết nối các gói tín dụng ưu đãi và định hướng quản lý rủi ro trong quá trình sản xuất cho nông dân… Tất cả sự chuyển đổi này sẽ giúp nông dân cơ hội làm giàu từ cây lúa và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ các sản phẩm gạo chất lượng, gạo sạch, đảm bảo sức khỏe khi sử dụng…