Giá gạo xuất khẩu tăng 14,8%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8/2024, cả nước đã gieo cấy được gần 6,6 triệu ha lúa; thu hoạch ước đạt 4,45 triệu ha; sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 28,7 triệu tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 8 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đạt gần 6,2 triệu tấn, tăng gần 6%. Giá xuất khẩu gạo bình quân 8 tháng đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8%.
Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024. (Ảnh: Tân Long) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo đang hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đàm phán và đạt kết quả tốt với đối tác. Nhờ vậy, sản lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, giá gạo của Việt Nam được đảm bảo.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2024, ông Nguyễn Như Cường cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia,… sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta cũng đang tích cực mở rộng sang những thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đó, dự báo, trong năm 2024, sản xuất lúa gạo trong nước ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc và có thể dành khoảng 8 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.
Đồng quan điểm về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, báo chí, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, mặc dù diện tích lúa của Việt Nam giảm, còn 7,12 triệu ha, tuy nhiên sản lượng gạo xuất khẩu vẫn đảm bảo nhờ giống lúa mới, năng suất và chất lượng cao. Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, xuất khẩu gạo của nước ta kỳ vọng cán mốc khoảng 8 triệu tấn trong năm nay, thu về hơn 5 tỷ USD và là kỷ lục mới của ngành.
Về phía doanh nghiệp cũng đánh giá, nhu cầu cao, trong bối cảnh sự khan hiếm nguồn cung từ các nước khác và chất lượng gạo Việt Nam ngày được nâng cao, do đó, xuất khẩu gạo được nhận định tiếp tục “sáng” trong những tháng cuối năm. Với kết quả xuất khẩu các tháng đầu năm và diễn biến thị trường gần đây, các doanh nghiệp nhận định, cả năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD.
Tiếp tục khơi thông thị trường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại
Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức: Nguồn cung gạo toàn cầu giảm (do tiếp tục chịu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga và hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, ở nhiều khu vực); tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp;… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Để phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, Cục sẽ tiếp tục linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc,…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ,…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin thị trường; duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin từ các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, nhất là tình hình các thị trường lớn để kịp đề xuất các biện pháp xử lý; chủ động có biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo; tăng cường các hoạt động vận động ngoại giao và chỉ đạo, hỗ trợ Thương vụ Việt Nam trong việc nắm thông tin, diễn biến thị trường, vận động cơ quan có thẩm quyền của các nước dành sự quan tâm đến nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam và tăng cường quan hệ thương mại gạo với Việt Nam. Tổ chức mời các Đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam kết nối giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện giá lúa tăng trở lại do xuất khẩu thuận lợi, nhiều loại gạo tăng về số lượng và giá. Sự tăng trưởng này không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân mà còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-gao-du-kien-se-dat-ky-luc-trong-nam-2024-344147.html