Ứng phó với xu hướng bảo hộ thái quá Doanh nghiệp trước xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng: Không chuẩn bị kỹ, dễ gặp bất trắc |
Nửa tháng, hàng xuất khẩu dính 4 vụ kiện
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng yếu, khiến xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023 sụt giảm hơn 22 tỷ USD, tương ứng mức giảm 10,3% so với cùng kỳ.
Thép không gỉ là mặt hàng thường xuyên đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: Đức Thanh |
Không chỉ đối mặt với thương mại toàn cầu suy giảm, các ngành xuất khẩu của Việt Nam còn chịu tác động kép khi nhiều thị trường gia tăng áp dụng bảo hộ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 8/2023, cả Mỹ, EU, Indonesia đã tiến hành khởi kiện 4 vụ việc với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong đó, Mỹ khởi xướng điều tra xem xét sản phẩm bánh xe kéo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam, EU khởi xướng hai vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép không gỉ cán nguội của Việt Nam, còn Indonesia điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Polypropylene Copolymer.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, khi năng lực sản xuất lớn, xuất khẩu gia tăng, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi cảnh báo của Bộ Công thương về các mặt hàng có nguy cơ bị kiện cao, từ đó có các kịch bản để ứng phó với phòng vệ thương mại. Trong trường hợp hàng hóa bị kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và đúng thời hạn, chủ động lưu trữ thông tin, đảm bảo xuất xứ, dữ liệu sản xuất cập nhật đầy đủ. |
Như vậy, từ đầu năm đến nay, các nước đã khởi kiện 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có tới 4 vụ việc do Mỹ khởi kiện.
Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ như Mỹ, Ấn Độ, Australia… Mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, trong đó thép, sợi là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) lý giải, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, nhiều mặt hàng xuất khẩu trên đà tăng trưởng mạnh. Từ đó, hàng xuất khẩu Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên nhiều thị trường nước ngoài, gây áp lực cho các doanh nghiệp nội địa tại thị trường nhập khẩu, buộc chính phủ của họ phải sử dụng các công cụ phòng vệ đã được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước.
Ngoài ra, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Thích ứng nhanh nhạy hơn
Báo cáo thường niên về phòng vệ thương mại do Bộ Công thương công bố cho thấy, từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2022, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với 101 vụ. Tiếp theo là Ấn Độ với 58 vụ, Trung Quốc 32 vụ, Canada 25 vụ…
Giai đoạn từ 1/1/1995 đến 31/12/2022, Trung Quốc là quốc gia bị khởi xướng điều tra biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất, với 1.565 vụ việc.
Trong cùng giai đoạn, Việt Nam bị các thành viên WTO khởi xướng điều tra chống bán phá giá với 120 vụ, xếp thứ 15 trong tổng số các nền kinh tế bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất thế giới.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay, với các vụ việc này, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, xử lý hiệu quả.
“Bộ Công thương luôn bám sát toàn bộ quá trình vụ việc để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc, giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đối với hoạt động xuất khẩu”, ông Trung nói.
Thời gian qua, Việt Nam đã xử lý thành công nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài thông qua việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá, Chính phủ không trợ cấp cho doanh nghiệp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba.
Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế, được dỡ bỏ lệnh áp thuế hoặc chỉ bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mới đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã kết luận, một số sản phẩn ống thép nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại khi xuất khẩu vào Mỹ.
Trong kết luận này, DOC nói rằng, các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan (Trung Quốc) do không sử dụng thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Đài Loan.
Trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với pin năng lượng mặt trời, khoảng 98% kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam không bị áp thuế, hoặc có thể sử dụng cơ chế tự xác nhận để được miễn áp thuế. Phía Mỹ cũng kết luận, thép dây không gỉ của Việt Nam không lẩn tránh thuế.
Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, các ngành sản xuất cần bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của mình, đồng thời tránh việc các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại nhiều giá trị gia tăng.