Ông Phạm Khắc Tuyên – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc – thông tin, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 23,4 tỷ USD kim ngạch hàng hóa sang Hàn Quốc.
Đóng góp lớn từ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Phạm Khắc Tuyên – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc – thông tin, năm 2024, xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và phục hồi rất nhanh sau khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Năm nay, dự kiến tăng trưởng khoảng 8,6%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,4 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, phương tiện vận tải và máy móc, đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. “Nhìn vào mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam có thể thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này”, ông Phạm Khắc Tuyên cho hay.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc thông tin về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tại Hội thảo Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: Vneconomy |
Bên cạnh đó, với những mặt hàng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có ưu thế như máy tính và dụng cụ trang thiết bị cũng có tốc độ tăng trưởng cao. Điều này thể hiện rõ ràng doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc nói chung, cũng như các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đang đầu tư sản xuất khá hiệu quả và xuất khẩu trở lại Hàn Quốc.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng thông tin, do cùng là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc đã mang lại cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam cũng đang có những lợi thế nhất định khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, ngoài vị trí địa lý rất gần, chỉ khoảng 4 giờ bay, cũng như luồng hàng từ Việt Nam qua Hàn Quốc rất thường xuyên, do đó, chi phí logictis rất rẻ. Đó là những lợi thế giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường Hàn Quốc.
Với những yếu tố thuận đó, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, thủy sản, đồ gỗ có tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi rất cao, đạt trên 80% đến 90%.
“Hàn Quốc đang chọn các nước để dịch chuyển luồng sản xuất và Việt Nam đang nổi lên như điểm đến hấp dẫn. Hiện, cơ sở sản xuất và đầu tư vào thị trường của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang ngày càng được mở rộng ở Việt Nam. Điều này cho thấy cơ hội đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất tiềm năng” – ông Phạm Khắc Tuyên đặc biệt nhấn mạnh.
Nhiều thách thức chờ đợi
Bên cạnh yếu tố thuận, khi thâm nhập thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng cần xác định sẽ đối mặt với sức cạnh tranh rất gay gắt. Đối thủ cạnh tranh không chỉ là doanh nghiệp Hàn Quốc mà còn ở các nước khác, như khu vực ASEAN, khu vực Trung Nam Mỹ.
Thủy sản là một trong số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam sang Hàn Quốc. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, Hàn Quốc có yêu cầu về chất lượng rất cao, thậm chí cao hơn cả châu Âu và Hoa Kỳ. Do Hàn Quốc luôn đi sau và học hỏi những tiêu chuẩn tốt nhất để áp dụng, đây cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc. Cộng hưởng với đó là việc duy trì và phát triển thương hiệu tại thị trường sở tại.
Cũng theo ông Phạm Khắc Tuyên, thiếu thông tin thị trường là một vấn đề mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải. Cùng đó là thiếu kiến thức về xu hướng tiêu dùng, nhu cầu của khách hàng, cũng như các vấn đề pháp lý khi đăng ký sản phẩm và giải quyết tranh chấp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn trên, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đang triển khai các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại và hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Các hoạt động của Thương vụ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ từ việc tìm hiểu, nghiên cứu đến khi thâm nhập thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực của Thương vụ có hạn, nhu cầu cần hỗ trợ lớn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, cần có được cơ chế chia sẻ cũng như tận dụng tối đa nguồn lực của các bên nhằm triển khai hoạt động hiệu quả nhất.
Dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Phạm Khắc Tuyên đề xuất, doanh nghiệp cần có cơ chế hỗ trợ về vốn thông qua quỹ đầu tư khởi nghiệp hay quỹ hỗ trợ xuất khẩu. Chỉ khi đủ nguồn lực tài chính doanh nghiệp mới có thể tham gia các hoạt động phát triển thị trường.
Bên cạnh sự hỗ trợ về thông tin, vốn, doanh nghiệp còn cần hỗ trợ về logistics, hải quan… khi thâm nhập thị trường nước ngoài. “Do đó, việc xây dựng cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tổng thể”, ông Phạm Khắc Tuyên nhấn mạnh.
Những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang Hàn Quốc đều có tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi cao trên 80 – 90%, đã đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này năm 2024. |
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-cua-viet-nam-sang-han-quoc-uoc-dat-234-ty-usd-367184.html