Theo giới phân tích, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm hay không, dù mức giảm là 0,25 điểm % hay 0,5 điểm % đều có tác động tới các nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Giảm áp lực tỉ giá, thúc đẩy xuất khẩu
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường – Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), phân tích FED giảm lãi suất ảnh hưởng phần nào xuất khẩu về mặt tỉ giá. Đồng thời, ngân hàng có thêm dư địa để hạ lãi suất giúp kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu.
“Tiêu dùng chiếm khoảng 70% GDP Mỹ, lãi suất cao khiến người Mỹ chắt bóp chi tiêu, lượng nhà mới xây ít và giá nhà cao. Khi lãi suất hạ, trong 3 đến 6 tháng tới, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên kéo tổng cầu quốc tế tăng theo. Qua đó, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực trong 3 đến 6 tháng tới” – ông Trần Hoàng Sơn nói.
Đối với chính sách tiền tệ, theo các chuyên gia, khi FED đảo chiều chính sách sẽ góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm dư địa để giảm lãi suất, đặc biệt là sau bão Yagi. Qua đó, giúp doanh nghiệp phục hồi tốt hơn.
Theo ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nhiên cứu và Phân tích – Công ty Chứng khoán NH Ngoại thương (VCBS), việc FED giảm lãi suất đầu tiên sau hơn 4 năm sẽ giúp tỉ giá VNĐ/USD hạ nhiệt nhanh chóng, giảm sức ép lên lãi suất, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, quan điểm của VCBS là áp lực tỉ giá vẫn thường trực do nhu cầu ngoại tệ phục vụ nền kinh tế sôi động trở lại, nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia đang được san sẻ cho mục tiêu bình ổn thị trường vàng. Thế nhưng, NHNN vẫn có thể có các động thái can thiệp điều hành tỉ giá dù dư địa không nhiều.
Sẽ có độ trễ
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TP HCM, cũng cho rằng về tổng thể, dù FED giảm lãi suất ít hay nhiều đều có tác động lên nền kinh tế Việt Nam nhưng sẽ có độ trễ. Để đánh giá được chính sách tiền tệ của Mỹ có thực sự phát huy tác dụng hay không phải chờ thêm. “Hiện tại, tỉ giá USD/VNĐ đang hạ nhiệt sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý điều hành chính sách tiền tệ “dễ thở” hơn” – chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Hải, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ – NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho biết trong quý II/2024, đồng USD trên thị trường quốc tế neo giá ở mức cao khiến VNĐ trong giai đoạn này mất giá khoảng 5%. Thế nhưng, từ đầu tháng 7-2024, thị trường tài chính trong và ngoài nước luôn kỳ vọng trong tháng 9-2024, FED sẽ cắt giảm 0,25 – 0,5 điểm % lãi suất.
Điều này đã làm cho giá trị USD trên thị trường quốc tế sụt giảm so với nhiều đồng tiền khác. Nhờ đó, tỉ giá VNĐ/USD đã hạ nhiệt rất nhiều so với vài tháng trước. Dữ liệu của NHNN cho thấy tỉ giá trung tâm đã giảm từ 24.600 đồng/USD (ngày 1-7) còn 24.151 đồng (ngày 18-9). Còn tỉ giá VNĐ/USD tại các NH thương mại cũng giảm mạnh từ 25.464 đồng/USD còn 24.151 đồng/USD.
Theo ông Hải, trước kỳ vọng FED giảm lãi suất, NHNN đã có phản ứng nhất định. Cụ thể, trong vòng 1 tháng qua, NHNN giảm lãi suất OMO (lãi suất dành cho các NH thương mại thế chấp trái phiếu chính phủ hoặc các loại giấy tờ có giá khác để vay vốn NHNN) từ 4,5% xuống 4%.
“Động thái này cho thấy NHNN đã đi trước một bước so với xu hướng lãi suất của FED. Điều này giúp các NH thương mại có thêm nguồn vốn giá rẻ để giảm chi phí đầu vào, từ đó có thêm dư địa hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đầy kinh tế tăng trưởng” – ông Hải bình luận.
Ảnh hưởng toàn cầu
Trước khi FED đi đến quyết định giảm lãi suất lần đầu sau hơn 4 năm, các NH trung ương trên thế giới, NH Trung ương châu Âu (ECB), Anh, Canada, Mexico, Thụy Sĩ và Thụy Điển đều đã cắt giảm lãi suất. Theo đài CNBC, nhiều nhà hoạch định chính sách ở các nước này nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng đi trước FED để ứng phó với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại và giảm bớt áp lực lạm phát trong nước.
Ông Richard Carter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất cố định tại Công ty Quản lý đầu tư Quilter Cheviot (Anh), cho rằng quyết định của FED chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá tài sản trên toàn thế giới. Điển hình là vàng đã đạt mức cao kỷ lục trong tuần này do kỳ vọng về động thái hạ lãi suất của FED. Dầu và các hàng hóa khác được định giá bằng USD, thường có động lực tăng giá khi lãi suất giảm trong bối cảnh chi phí vay thấp có thể kích thích nền kinh tế và tăng nhu cầu.
Các thị trường mới nổi đặc biệt nhạy cảm với những yếu tố này, khiến các động thái của FED thậm chí còn quan trọng hơn đối với họ so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Không chỉ ở Mỹ, thị trường chứng khoán khác cũng bị ảnh hưởng bởi các động thái của FED. “Việc cắt giảm lãi suất của FED làm giảm chi phí vay bằng USD, từ đó tạo điều kiện thanh khoản dễ dàng hơn cho các công ty trên toàn thế giới” – ông Richard Carter lập luận.
X.Mai
Chứng khoán, bất động sản sẽ hưởng lợi?
Theo ông Trần Hoàng Sơn, FED giảm lãi suất sẽ giúp những doanh nghiệp đang vay nợ nhiều như bất động sản, sản xuất, xuất khẩu bớt áp lực tài chính hơn. Nhìn lại chu kỳ 2012 – 2015, khi FED đưa lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử, Việt Nam vừa có chính sách hỗ trợ lãi suất vừa đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã giúp thị trường bất động sản đang “đóng băng” phục hồi mạnh mẽ giai đoạn 2014 – 2016. Rất nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản thấp đã cải thiện nhiều và giá tăng bằng lần.
Nguồn: https://nld.com.vn/xuat-khau-co-them-co-hoi-tang-truong-196240918194040659.htm