Trong những năm gần đây, cà phê Việt Nam đang ngày càng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Nhờ vậy, giá bán và kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đều tăng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để duy trì động lực tăng trưởng hiện nay, ngành cà phê Việt Nam phải chú trọng tới vấn đề chất lượng ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến.
Quảng bá cà phê Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Thanh Tùng/VNS
Để hạt cà phê có chất lượng cà phê tốt nhất, cà phê phải được hái khi đã chín. Khi trái cà phê chín, trọng lượng sẽ tăng 10%. Điều này vừa giúp tăng sản lượng cà phê, vừa nâng chất lượng cà phê trong quá trình chế biến. Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người lo ngại khi thị trường cà phê thế giới khởi sắc là tình trạng người dân thu hái cà phê khi còn xanh, chưa đạt chất lượng về độ chín. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là nạn hái trộm, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, việc thu hoạch cà phê chín sẽ tốn nhiều chi phí nhân công bởi lượng trái chín không đồng đều nên đa số nông dân bắt buộc phải thu hoạch đồng loạt, cùng lúc.
Ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình (Lâm Đồng), cho biết trên thực tế, tình trạng hái cà phê đầu mùa quá xanh không chỉ mới xuất hiện trong niên vụ năm 2023-2024 mà đã có từ nhiều năm trước. Nếu người dân hái xanh tỷ lệ cao, trái chín thấp thì tỷ lệ hao hụt sẽ rất cao, kéo theo chất lượng đi xuống.
Để đảm bảo đúng quy trình thu hái cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về việc thu hái cà phê đúng thời điểm, đúng kỹ thuật đối với từng loại cà phê. Theo đó, sản phẩm thu hoạch có tỷ lệ quả chín đạt từ 90% trở lên và tỷ lệ tạp chất không quá 2%. Trong đợt tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín phải đạt trên 80%.
Mặt khác, trong số hơn 710.000 ha cà phê ở Việt Nam, chỉ có hơn 185.000 ha diện tích cà phê đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận Utz Certified (chứng nhận toàn cầu về sản xuất, kinh doanh cà phê có trách nhiệm); Rainforest (bộ quy tắc thực hành phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững trên toàn cầu do Tổ chức RA thực hiện); 4C (Quy tắc chung của cộng đồng cà phê); VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam). Vì thế, theo các chuyên gia, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận uy tín như VietGAP hay Rainforest để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cũng lưu ý tới vấn đề truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng để không vi phạm các quy định của nhà nhập khẩu, đặc biệt là các nhà nhập khẩu ở châu Âu – thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Đối với vấn đề chế biến, chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình cho rằng hiện nay, các thị trường lớn như EU và Mỹ đang có sự thay đổi nhu cầu tiêu thụ từ nhập cà phê nhân chuyển sang cà phê chế biến. Vì vậy, Việt Nam cũng phải ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững.
Trong vấn đề trồng xen và truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, quy định mới của châu Âu chú trọng đến việc người dân phá rừng để trồng cà phê và trồng xen, điều này phá vỡ sinh thái và không an toàn cho môi trường. Chính vì vậy, việc nâng chất lượng cà phê trong cạnh tranh của cà phê Việt Nam bao gồm cả việc quản lý diện tích sản xuất cà phê trên đất nông nghiệp, quản lý mã số vùng trồng chặt chẽ để tránh vi phạm vào phá rừng.
Ông Nguyễn Quang Bình nhận xét thị trường hiện nay là thị trường của người mua. Do đó, dù làm bất kỳ điều gì thì cà phê Việt Nam cũng phải đáp ứng tiêu chí của người mua thì mới bán được giá cao. Điển hình hiện nay, các quy định mới của châu Âu và các khách hàng tiêu thụ tạo ra hiệu ứng cho giá cà phê. Với nguồn cung đang giảm dần cho đến tháng 4/2023, thị trường cà phê sẽ chứng kiến đợt tăng giá tiếp theo với những nguồn cà phê chất lượng./.
Việt Thắng
Đọc thêm: Xuất khẩu cà phê năm 2023 (Bài 1): Kỳ vọng phá kỷ lục