Sáng 3/10, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức Hội nghị Chuyển đối số trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP.HCM.
Ông Đặng Duy Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, chưa bao giờ chuyển đổi số lại lan tỏa và mang lại hiệu quả như ngày hôm nay. Tại Bộ NNPTNT, chuyển đổi số là cụm từ được nhắc đến hằng ngày.
“Năm nay là năm thúc đẩy số hóa các nền kinh tế, trong đó có nền nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã gửi thông điệp để thúc đẩy hoạt động này. Chuyển đổi số hướng đến chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, ông Hiển cho biết.
Ông Hiển nhận định, tại Việt Nam xu hướng số đang chuyển dịch nền kinh tế. Người tiêu dùng thông minh quan tâm đến sức khỏe, giá trị xã hội, không gian tương tác.
Nền kinh tế trải nghiệm được kích hoạt, trước mắt là dịch vụ, không gian số, tiến tới kinh tế số, trong đó đề cao mức độ tiện lợi, chính xác, giảm chi phí cung và cầu. Vùng nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số.
Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Đến năm 2025, mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng.
Một số chương trình của Bộ NNPTNT có nhu cầu chuyển đổi số như: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”; Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030; Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030…
“Chúng ta muốn thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải phải có công cụ số. Nếu không chuyển đổi số, việc báo cáo số liệu còn nhiều khó khăn. Trước đây số liệu từ xã lên tới cơ quan tôi là 2 tuần, khi đó số liệu không còn chính xác nữa. Ví dụ ngày gửi báo cáo lên cho tôi gieo sạ 2.000ha, nhưng đến khi nhận được báo cáo, diện tích sạ thực tế đã lên 6.000h”, ông Tùng nêu.
Cũng theo ông Tùng, Cục Trồng trọt và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI đã nghiên cứu thành công Hệ thống số theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất lúa (RiceMore). Đây là nền tảng tham chiếu địa lý, cho phép chuẩn hóa và ghi lại dữ liệu hoạt động sản xuất lúa theo thời gian.
Sau quá trình hoàn thiện, tới nay hệ thống RiceMore đã được giới thiệu và đưa vào ứng dụng tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL, TP.Hải Phòng và 3 tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Hệ thống này tự động tổng hợp dữ liệu theo các cấp quản lý khác nhau, giúp cải thiện đáng kể quy trình báo cáo và thống kê sản xuất lúa.
Hệ thống giám sát sản xuất lúa giúp theo dõi, đánh giá hoạt động canh tác lúa và tính toán phát thải khí nhà kính. Ảnh: Quang Sung
Tại Hội nghị các đại biểu chứng kiến lễ ra mắt hệ thống giám sát sản xuất lúa RiceMore, được phát triển thông qua sự hợp tác giữa Cục Trồng trọt, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cùng Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI.
Hệ thống RiceMore đã được hoàn thiện gồm hai phiên bản: Phiên bản Web dành cho cán bộ quản lý từ cấp huyện trở lên và phiên bản Mobile App dùng cho cán bộ cấp xã.
Hợp phần theo dõi và báo cáo sản xuất lúa ở quy mô đồng ruộng/hợp tác xã của hệ thống RiceMore (được gọi là FarMore), giúp cán bộ địa phương và nông dân trồng lúa theo dõi, đánh giá hoạt động canh tác lúa và tính toán phát thải khí nhà kính. Đồng thời, phục vụ công tác tư vấn kỹ thuật, đo đạc, báo cáo và thẩm định trong các dự án liên quan đến sản xuất lúa bền vững, sinh thái và giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai.
Hệ thống RiceMore đã được đề nghị làm công cụ MRV (công cụ để đánh giá chính xác hiệu quả của các dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu – PV) cho các mô hình thí điểm thuộc đề án 1 triệu ha lúa giá trị cao và phát thải thấp tại ĐBSCL.
Từ đầu năm 2023, RiceMoRe được nâng cấp với sự hợp tác giữa Cục Trồng trọt, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI thành hệ thống trực tuyến với một ứng dụng di động nhằm hỗ trợ công tác theo dõi, quản lý và chỉ đạo sản xuất lúa.
RiceMoRe cho phép hệ thống hóa và lưu trữ dữ liệu về sản xuất lúa, được cập nhật hàng tuần thông qua mạng lưới cán bộ địa phương từ cấp xã. Dữ liệu được liên kết với hệ thống thông tin địa lý và các lớp thông tin khác, giúp cho việc lập kế hoạch sản xuất, ứng phó thiên tai và dịch hại thuận lợi hơn. Hệ thống đã được đánh giá chứng nhận an toàn thông tin ngày 25/7/2024.
Nguồn: https://danviet.vn/xuat-hien-he-thong-giam-sat-san-xuat-lua-giup-tinh-toan-duoc-luong-phat-thai-nha-kinh-20241003115315044.htm