Ông Nguyễn Văn Bảy – phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ – khẳng định có sự quan tâm ngày càng tăng về bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa và liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Tham dự hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt ngày 10-12 tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Bảy – phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ – cho hay thực tế ngày càng có nhiều người và tổ chức quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu.
Trình bày tham luận “Bức tranh tổng quan về sở hữu trí tuệ ngành hàng nông sản, trong đó có lúa gạo. Các giải pháp bảo vệ bản quyền sản phẩm sở hữu trí tuệ”, ông nhắc lại rằng ngày xưa người tiêu dùng đi mua gạo tại các cửa hàng gạo được bày bán nhiều chủng loại đựng trong thúng.
“Sau khi cân xong thì bỏ vào túi ni lông rồi xách về. Còn bây giờ, người tiêu dùng đang có xu hướng chọn những túi gạo có nhãn hiệu như thế này”, ông Nguyễn Văn Bảy lấy những túi gạo ST25 của Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Của (tỉnh Sóc Trăng) làm dẫn chứng và nói.
Ông cho biết đăng ký nhãn hiệu ở nước nào thì sẽ được bảo hộ ở nước đó. Ví dụ nhãn hiệu gạo Ông Cua, hay nhãn hiệu Neptune đăng ký ở Việt Nam thì chỉ được chống những người khác sử dụng nhãn hiệu đó tại Việt Nam. Còn ở những nước khác, ai muốn dùng thì dùng.
Đến giờ có khoảng 300.000 nhãn hiệu ở Việt Nam được bảo hộ, trong đó các sản phẩm về ngành nông nghiệp chiếm khoảng 96%.
Có thể nhận thấy có sự quan tâm ngày càng tăng của các chủ thể, bao gồm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa và liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt trong một số vấn đề, mà giống là vấn đề đầu tiên. Ví dụ như vụ giống thanh long ruột đỏ, giống lúa.
“Tôi lấy ví dụ người trồng lúa, họ chăm sóc thật tốt. Sau khi thu hoạch, họ giữ lấy một phần thóc để sau đó làm giống cho vụ tiếp theo. Nếu ai cũng làm như vậy, sẽ không có giống mới.
Quay trở lại câu chuyện tôn trọng bản quyền, khi nói đến quyền sở hữu trí tuệ, nó tạo kích thích hoạt động sáng tạo đầu tư. Không ai muốn đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc để tạo ra giống mới mà không được bảo vệ, không được ghi nhận”, ông Bảy nói.
Ông Bảy cũng cho rằng việc người dân tự để lại giống từ vụ trước sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa giống. Ban đầu mua giống thật, sau nhiều năm sản xuất cùng trên giống đó thì sản phẩm sẽ không còn được chất lượng tốt như ban đầu.
Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đề cập đến việc đăng ký VietNam Rice ra nước ngoài, ông Bảy cho rằng khi xây dựng hình ảnh thì phải có tính đặc thù. Ví dụ nước mắm Phú Quốc, hành tím Sóc Trăng…
Với gạo Việt Nam, chúng ta quảng bá hình ảnh và hướng tới tệp khách hàng nào?
Phải chọn điểm đặc biệt để xây dựng nhãn hiệu, thông qua đó để quảng bá và nâng giá trị của sản phẩm Việt Nam lên. Chỉ khi nào người bán gạo gắn trên bao bì và thấy được lợi thì người ta mới gắn. Khi đó người ta mới trả phí.
Ông Bảy cho biết muốn nêu ra những vấn đề trên để cùng các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương, sở ngành và các chuyên gia cùng thảo luận.
Hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức tại TP Sóc Trăng ngày 10-12, với hơn 150 khách mời là doanh nhân, lãnh đạo, chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiều vấn đề đã được đề cập trong hội thảo, như xây dựng thương hiệu gạo, thương hiệu quốc gia, thảo luận “Xây dựng thương hiệu – bài toán khó cho lúa gạo Việt Nam”, “Xây dựng thương gạo Việt – thách thức và cơ hội”…
Nguồn: https://tuoitre.vn/xua-can-gao-roi-khach-xach-ve-nay-tui-gao-dong-san-co-nhan-hieu-duoc-chuong-hon-20241210164241721.htm