Liên quan đến vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, ngày 13/9, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (trực tiếp chỉ đạo công tác cấp cứu cho nạn nhân) cho biết bệnh viện đang điều trị cho 24 bệnh nhân, hầu hết các bệnh nhân ngộ độc khí CO. Bên cạnh đó, có bệnh nhân nhảy xuống nên nhiều bệnh nhân bị chấn thương, đa chấn thương. Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại các khoa, trung tâm của bệnh viện.
Ông Nguyễn Văn Chi – nguyên Giám đốc Trung tâm cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, trong thảm họa cháy lần này có 2 nhóm tổn thương lớn, trong đó có nhóm người bệnh hít phải lượng khói rất lớn, có nhiều khí độc CO.
Trao đổi với Người Đưa Tin về BS.Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, ngộ độc khí CO là ngộ độc gây ra tử vong phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Khí CO được sinh ra khi đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ ở trong môi trường thiếu oxy. Tuy nhiên, nguy hiểm ở chỗ không gây kích thích, không màu, không vị. Nên, nếu nạn nhân đang không tỉnh táo, ngủ say, say rượu, bất tỉnh thì có thể bệnh nhân tử vong trước khi kịp biết chuyện gì xảy ra.
Theo BS. Hoàng, trong cuộc sống hàng ngày thường gặp các trường hợp ngộ độc khí CO cấp tính trong hai tình huống:
Thứ nhất, khi trời lạnh chúng ta sưởi ấm trong phòng kín bằng bếp gas, bếp than tổ ong, đốt củi làm tăng CO, có thể tử vong. Hoặc dùng máy phát điện, bật động cơ ô tô trong môi trường kín cũng sẽ sinh ra rất nhiều khí CO, khiến nạn nhân từ từ rơi vào tình trạng ngộ độc khí CO.
Thứ hai là trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân bị ngạt khí CO là chủ yếu. Cơ chế ngộ độc của khí CO đó là khi xâm nhập vào đường thở thì ngay lập tức gắn chặt với hemoglobin trong hồng cầu tạo thành hợp chất rất vững chắc tên gọi là cacmoxihemoglobin, không vận chuyển được oxy, khiến cho cơ thể rơi vào tình trạng bị thiếu oxy.
Theo BS. Hoàng, các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO cấp khi CO vào cơ thể gây độc thần kinh, đặc biệt trên tế bào thần kinh trung ương trên não, gây ra các triệu chứng về nhiễm độc thần kinh, đồng thời gây phù não.
Khí CO và hợp chất carboxyhemoglobin ức chế sự hô hấp của tế bào, khiến cơ thể không sinh ra được năng lượng.
“Mức độ các triệu chứng phụ thuộc vào nhiễm độc khí CO ở các mức độ khác nhau, khi lượng hemoglobin nhiễm độc khí CO dưới 25% thì thường nhẹ. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, mạch vành thì chỉ cần một lượng CO rất nhỏ cũng đã khiến cho các triệu chứng tim mạch sẽ nặng lên.
Khi lượng hemoglobin bị CO xâm nhập, tạo thành các hợp chất carboxyhemoglobin lớn hơn 25% thì lúc này các triệu chứng sẽ nặng lên, đau ngực dữ dội, lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp bị tụt thì rất nguy hiểm. Khi nhiễm độc tăng lên 50% thì lúc này bệnh rất nguy hiểm, tụt huyết áp, toan chuyển hóa, hôn mê và tử vong nếu không kịp thời cấp cứu”, BS. Hoàng nói.
Bên cạnh đó, BS. Hoàng cũng cho biết thêm, ngộ độc khí CO còn có thể có các triệu chứng khác như: Đau bụng, mất ý thức, tay chân bị yếu, rối loạn cơ vòng… ngoài ra còn có các triệu chứng về tâm thần, thần kinh nhưng thường xuất hiện muộn sau vài ngày, thậm chí vài tuần sau.
Cách điều trị bệnh nhân bị ngộ độc khí CO, BS. Hoàng cho biết đầu tiên cần ngắt sự tiếp xúc của bệnh nhân đối với nguồn CO, bằng cách đưa bệnh nhân ra nơi thoáng khí.
Tiếp đó, nên cho bệnh nhân thở oxy 100% ngay lập tức thì thời gian bán hủy của khí CO rút xuống còn 1 – 2 giờ. Còn nếu thở trong môi trường oxy cao áp thì chỉ sau 20- 30 phút thì lượng CO sẽ được thải trừ được một nửa, như vậy tốc độ thải trừ sẽ rất nhiều.
Chiều 14/9, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay các bệnh nhân trong vụ cháy chung cư mini được điều trị tại các bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Hà Đông, Đại học Y Hà Nội và Quân y 103. Trong đó, 6 trường hợp nặng và nguy kịch, đều do ngộ độc khí CO, tiếp tục được cứu chữa tại Bệnh viện Bạch Mai; số còn lại ở mức độ trung bình, nhẹ.
Trong số này, có 9 trẻ em nằm ở 3 bệnh viện Hà Đông, Xanh Pôn và Bạch Mai, một phụ nữ mang thai điều trị tại Xanh Pôn. Các bệnh nhân chủ yếu bị ngạt khói, ngộ độc khí CO; suy hô hấp; một số người đa vết thương, bỏng do nhiệt; gãy xương, chấn thương cột sống…
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện tập trung mọi nguồn lực, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện trang thiết bị cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn.
Trước mắt tập trung cứu chữa, chưa thu các khoản phí, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn, người nhà vượt qua khủng hoảng.