Cách làm du lịch có trách nhiệm
Tháng 3/2021, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UBND TP. Hội An ban hành Kế hoạch hành động đến năm 2023 áp dụng các DN du lịch giảm rác thải và rác thải nhựa, góp phần xây dựng “Hội An – Điểm đến xanh”. Trong đó, kêu gọi các doanh nghiệp, người dân tự nguyện tham gia, cùng triển khai.
Việc từ chối các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thay túi nilon bọc thùng rác bằng giấy báo, khách sạn La Siesta Hội An Resort & Spa ước tính đã cắt giảm hoàn toàn 3,5 tấn nhựa/năm. Từ chối chai nước nhựa, thay bằng chai thuỷ tinh và bình lọc để khách tự rót, Silk Sense Hoi An River Resort giảm được việc sử dụng 20.000 chai nhựa dùng một lần sau 1 năm rưỡi.
Tuy nhiên, bà Vũ Mỹ Hạnh, đại diện nhóm làm việc về Quản lý rác thải tại nguồn tại Hội An, nhận xét, hành động của doanh nghiệp du lịch là chưa đủ. Cần nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng người dân tại điểm đến trong việc thực hiện những hành động Không rác thải trong tại hộ gia đình, tại khu dân cư,… bởi đó là những hành động thiết thực đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng điểm đến xanh.
Là địa phương đầu tiên ban hành Bộ Tiêu chí Du lịch xanh (năm 2021), ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, cho hay, tính đến tháng 11/2023, đã có 20 đơn vị được cấp chứng nhận du lịch xanh (trong đó có 9 cơ sở lưu trú du lịch; 3 DN lữ hành; 8 điểm tham quan); gần 100 đơn vị du lịch ký cam kết thực hành, áp dụng bộ tiêu chí này trong quá trình hoạt động.
Ngoài Hội An, hướng đến bảo tồn và phát triển bền vững, tháng 9/2023, đảo Cô Tô (Quảng Ninh) ban hành quy định không mang túi ni-lông, đồ nhựa sử dụng một lần, rác thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường ra đảo.
Khu du lịch Cần Giờ (TP.HCM) cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch xanh – cách làm du lịch có trách nhiệm, giúp thực thi hiệu quả các mục tiêu phát triển du lịch bền vững, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, “Du lịch và đầu tư xanh” được chọn là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023.
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững”. Do đó, tại Nghị quyết 82, Chính phủ giao Bộ VH-TT&DL xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Các chuyên gia du lịch nhận định, bên cạnh yêu cầu từ chính nội tại của đơn vị, từ các cấp quản lý, du lịch xanh còn là yêu cầu thiết yếu từ chính du khách trong nước và quốc tế khi mà nhận thức về chất lượng dịch vụ đối với sản phẩm du lịch ngày càng nâng cao. Du khách không chỉ đòi hỏi dịch vụ chuyên nghiệp mà còn đặt ra yêu cầu sản phẩm tour phải có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại địa phương.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, phát triển du lịch xanh vẫn đang vướng nhiều rào cản.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, các điểm đến nổi tiếng, đông khách như Hạ Long, Sapa, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,… đang tạo áp lực lên môi trường và cơ sở hạ tầng. Mục tiêu của nhiều địa phương về tăng trưởng lượng khách không đi đôi với tính toán sức chứa của điểm đến.
Hơn nữa, tính mùa vụ cũng làm cho một số điểm du lịch quá tải vào các dịp cao điểm như mùa hè, lễ Tết,… Không ít nơi để xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa và túi ni-lông. Nhận thức của một bộ phận du khách, một số cộng đồng địa phương về du lịch xanh còn hạn chế.
Vì vậy, Bộ tiêu chí Du lịch xanh và việc triển khai hiệu quả kế hoạch áp dụng bộ tiêu chí vào thực tế là vấn đề cốt lõi trong việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh và đáp ứng xu thế của thị trường.
Việc cấp thiết hiện nay là rà soát lại các tiêu chí phát triển du lịch xanh của Việt Nam và ban hành bộ tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới, trên cơ sở đó có hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất và dễ dàng chi tiết hóa tiêu chí du lịch xanh phù hợp.
Hơn nữa, cần nâng cao nhận thức thay nhằm thay đổi hành vi vì mục tiêu phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, cụ thể là nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và văn hóa (đặc biệt là khách nội địa); giám sát các tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên và văn hóa, từ đó có giải pháp… Cải thiện năng lực quản lý hiệu quả lượng khách du lịch tại các điểm đến; giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trong kinh doanh du lịch và đặc biệt là tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, thúc đẩy sự tham gia của người dân, xã hội và các doanh nghiệp du lịch vào công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa.
Ngoài ra, từ kinh nghiệm của Hội An, đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch xanh, bền vững như cơ chế về chính sách thuê đất, sử dụng tài nguyên.
Ngọc Hà