SGGP
Những nỗ lực vực dậy ngành du lịch và những chính sách tích cực thúc đẩy phục hồi ngành du lịch của Indonesia đã tạo được niềm tin ở cộng đồng toàn cầu, nhờ đó góp phần giúp quốc gia này vừa được bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hiệp quốc (UNWTO), đại diện cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhiệm kỳ 2023-2027.
Một khu nghỉ dưỡng tại Bali. Ảnh: KEMENPAREKRAF.GO.ID |
Với vai trò mới của Indonesia tại UNWTO, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno kêu gọi tất cả các bên liên quan và người dân đoàn kết để phát triển “ngành công nghiệp không khói” không chỉ của quốc gia, mà còn khu vực và toàn cầu. Bên cạnh các chiến dịch quảng bá văn hóa ẩm thực, ưu tiên phát triển các làng du lịch để quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống, Indonesia cũng chú trọng thúc đẩy hoạt động du lịch tại một số hòn đảo được mệnh danh là thiên đường. Năm ngoái, Indonesia đã đăng cai tổ chức Ngày Du lịch thế giới tại Bali, cùng với cuộc họp Nhóm công tác du lịch thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Indonesia cũng vừa thông báo phát triển mô hình du lịch y tế tại đảo nghỉ dưỡng Bali với việc thành lập một bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế tại Đặc khu Y tế (SEZ). Indonesia liên tục nâng mục tiêu thu hút du khách quốc tế năm 2023, từ 7,4 triệu du khách (tháng 1-2023) lên 8,5 triệu du khách (tháng 4-2023). Để đảm bảo an ninh, an toàn và lấy lòng tin của du khách quốc tế, Indonesia vừa ký kết Bộ quy tắc quốc tế về bảo vệ khách du lịch do UNWTO xây dựng như một nỗ lực nhằm bảo vệ du khách tại các điểm đến. Tuân thủ Bộ quy tắc này là cam kết chung của Indonesia nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho du khách, đồng thời đảm bảo tính toàn vẹn của phong tục và truyền thống văn hóa địa phương.
Tuần trước, Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch tu sửa cơ sở vật chất quần thể di tích Phật giáo Borobudur ở Yogyakarta, Trung Java, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem là một trong những di tích Phật giáo vĩ đại nhất thế giới, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII-IX triều đại Syailendra. Quần thể di tích Phật giáo Borobudur là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Indonesia, đồng thời là trung tâm du lịch Phật giáo, nên chính phủ đang có kế hoạch cải thiện hạ tầng và phương tiện giao thông tới Borobudur, tập trung vào phát triển mạng lưới giao thông, đường thu phí, tàu hỏa để thuận tiện cho việc đi lại từ sân bay quốc tế Yogyakarta đến di tích này. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng sẽ phát triển các khu vực bổ trợ xung quanh Borobudur như các làng du lịch, văn hóa cộng đồng và dự kiến sẽ tạo ra 4,4 triệu việc làm mới vào năm 2024.
Indonesia đã mời các nhà tiếp thị du lịch toàn cầu mở rộng mạng lưới tại Indonesia, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các hoạt động hợp tác sẽ giúp nâng cao chất lượng của ngành du lịch, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo việc làm và các cơ hội kinh doanh. Quan hệ hợp tác này diễn ra dưới hình thức chia sẻ kiến thức giữa các chuyên gia hoặc nhà quản lý điểm đến về thúc đẩy du lịch bền vững và xử lý các vấn đề tiềm ẩn, cũng như tổ chức các khóa đào tạo và hội nghị nâng cao năng lực về tiếp thị du lịch.