Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng năm 2024, tôm, cá ngừ xuất sang UAE đạt hơn 7,5 triệu USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có Dubai là một trong bảy tiểu vương quốc giàu có và hiện đại bậc nhất thế giới. Đây là thị trường nhập khẩu ròng thủy hải sản, trong đó có tôm sú, cá ngừ Việt Nam.
Sắp tới nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rộng đường vào UAE nhờ ưu đãi từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Tăng tìm kiếm thủy hải sản
Theo VASEP, UAE đứng thứ 16 về nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 0,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm đi các thị trường, giai đoạn 2018-2022.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 22.000 – 24.000 tấn thủy sản sang UAE, trị giá từ 50-70 triệu USD.
Ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – thông tin riêng tôm thu về khoảng 20 triệu USD từ thị trường UAE, nhưng phải cạnh tranh rất lớn với tôm Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador.
“Việt Nam nằm trong top các thị trường xuất khẩu thủy sản vào UAE. Đứng đầu là Ấn Độ chiếm gần 70% thị phần vì tận dụng lợi thế thuế quan, tiếp đến Ecuador với 15% thị phần dù chỉ có 2 năm thâm nhập. Trong khi thị phần tôm Việt chỉ chiếm khoảng 7%.
Hiệp định CEPA mới được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, sớm nhất để có thể tăng thị phần tại thị trường này”, ông Hòe kỳ vọng.
Minh chứng là thời gian gần đây các lượt tìm kiếm trực tuyến sản phẩm hải sản từ các đối tác, người tiêu dùng, nhất là giới trẻ ở UAE tăng lên.
“Xứ sở giàu có, giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản, các lượt tìm kiếm trực tuyến các sản phẩm hải sản tăng, chắc chắn đẩy lượng tiêu thụ thủy hải sản tại UAE. Người dân giảm lượng tiêu thụ thịt, chọn ăn thủy sản cao cấp. Nhu cầu về tôm hùm, cá ngừ, sò điệp và các loại cá chất lượng cao khác đang tăng cao”, ông Hòe nói thêm.
Tôm, cá ngừ “tấn công” thị trường ngách
Theo nhiều doanh nghiệp, tuy là thị trường nhỏ nhưng UAE được coi là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày một tăng.
Trong khi đó theo số liệu Tổng cục Hải quan, cá ngừ của Việt Nam sang UAE bị sụt giảm vào năm 2020 do COVID-19, sau đó đã tăng trưởng liên tục. Từ mức 1,6 triệu USD năm 2019 lên gần 4 triệu USD năm 2023, tăng 139% trong 5 năm.
Mặc dù 10 tháng năm 2024 xuất khẩu thủy sản sang UAE chưa đột biến vì ảnh hưởng xu hướng giảm của thế giới, nhưng các doanh nghiệp tận dụng cơ hội bán tôm, cá ở thị trường ngách UAE.
Có thể kể đến như: Công ty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (chiếm 26,3%), Công ty TNHH thủy sản Nam Kinh (22,8%), Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (14,4%)…
“Việt Nam hiện đang là 1 trong 3 nguồn cung cá ngừ lớn vào UAE. Cá ngừ vào đây đang bị áp mức thuế 5%, kỳ vọng mức thuế sẽ về 0%. Điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ Việt Nam”, một doanh nghiệp chia sẻ.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal; đầu tư công nghệ, giảm chi phí trung gian, giảm giá thành sản phẩm… để cạnh tranh với thủy sản các quốc gia khác.
Mức tiêu thụ tôm, cá ngừ… bình quân đầu người của UAE cao hơn mức trung bình của thế giới
Theo VASEP, UAE là quốc gia nhập khẩu ròng thủy sản. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1% nên có tới 90% nhu cầu lương thực là hàng nhập khẩu.
Ước tính mỗi năm UAE nhập khẩu khoảng 250.000 tấn thủy sản, trị giá 750-800 triệu USD và có mức tiêu thụ thủy sản cá nhân là 28,6kg/năm, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu.
Gần 90% dân số UAE là người nhập cư, do vậy các sản phẩm cá, hải sản là một phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn truyền thống.
CEPA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả Rập, thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước để sớm nâng kim ngạch song phương lên 10 tỉ USD.
Nguồn: https://tuoitre.vn/xu-so-giau-co-bac-nhat-the-gioi-tang-an-tom-hum-ca-ngu-viet-nam-20241108105646785.htm