Cuộc chiến với thực phẩm bẩn đã và đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong từng mâm cơm gia đình, từng bữa ăn bán trú, từng món quà vặt trước cổng trường. Cứ mỗi đợt cơ quan chức năng ra quân kiểm tra về an toàn thực phẩm lại dội đến những con số choáng váng về thực phẩm bẩn lấn lướt sự an toàn trong từng bữa ăn gia đình.
Cứ mỗi đợt báo chí vào cuộc điều tra việc kiểm soát an toàn thực phẩm lại lồ lộ những sai phạm trầm trọng. Nỗi lo của người tiêu dùng ngày càng dâng cao hơn bởi nguy cơ bị “đầu độc” ngày càng tăng.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng không ít người vì cái lợi trong kinh doanh mà sẵn sàng phun, ngâm, tẩy, rửa thực phẩm bằng hóa chất. Người ta dễ dàng nhập những lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, những thùng hàng thực phẩm bốc mùi hôi thối và tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là độc hại.
Tư duy “ai bệnh mặc ai” đã ăn sâu vào tâm thức của một số người. Vì cái lợi trước mắt mà bán rẻ lương tâm, gieo mầm bệnh, đó là tội ác! Nhưng khi lòng tham của con người còn tồn tại thì một số người còn trồng rau phân luống, nuôi heo khác chuồng. Thực phẩm gọi là sạch nhưng người tiêu dùng vẫn lo có sạch thật không.
Người tiêu dùng mỗi ngày vẫn đau đầu phân định sạch – bẩn, lựa chọn hàng quán khi mà thực phẩm nơi này nơi kia inh ỏi thông tin tồn dư lượng hóa chất, hoạt chất… Không ai dám khẳng định bữa cơm gia đình sạch hoàn toàn khi mà chúng ta chẳng thể tự chủ tất tần tật mọi thứ!
Nỗi lo của người tiêu dùng cứ chông chênh dần theo mấy vụ ngộ độc dồn dập dội đến. Ước mong về mâm cơm sạch hay món ăn vặt ngon và lành ở trường học của con trẻ cần lắm hành động quyết liệt của cả xã hội.
Nhà nông thay đổi phương thức canh tác, không lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, thay thế bằng canh tác hữu cơ. Người buôn bán nói không với cách tiêm, tẩm, phun, ngâm hóa chất vào rau trái, thực phẩm. Đó là cách phòng hậu họa lâu dài cho người tiêu dùng!
Xây dựng môi trường chăn nuôi an toàn, trồng trọt lành mạnh, kinh doanh văn minh để giữ gìn sức khỏe cho chính mình và mọi người xung quanh. Đó chính là cách duy nhất để tạo ra an toàn từ những bữa ăn.
Đã đến lúc chúng ta không thể nhân nhượng với thực phẩm bẩn bởi tác hại không chỉ những vụ ngộ độc đây đó mà còn đủ thứ bệnh về sau. Những biện pháp kiểm tra nhắc nhở, xử phạt hành chính thật sự đã “nhờn thuốc” rồi!
Cần xử lý mạnh tay và truy cứu trách nhiệm trước pháp luật với các đối tượng xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác bằng các biện pháp xử lý nghiêm khắc của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi lương tri trong mỗi nhà sản xuất, mỗi hộ kinh doanh.
Cùng “chỉ mặt” thực phẩm bẩn và các chiêu thức phù phép thực phẩm, xử lý nghiêm những vụ việc vô tình hay cố ý gây ngộ độc – đó là cách thay đổi nhận thức về món ăn sạch thật sự.