Đây là trường hợp nam bệnh nhân T.B.T, sinh năm 2006, ngụ huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, nhập viện vào Bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh ngày 5-8 vừa qua. Trước đó khoảng 6 tháng, bệnh nhân nuốt vướng xương cá trong khi ăn tiệc, sau đó đi khám tại cơ sở y tế địa phương không ghi nhận dị vật. Cách nhập viện một tuần, bệnh nhân bị sưng đau vùng dưới cằm.

Tại Bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh, bác sĩ ghi nhận có một khối sượng cứng (khối viêm tròn) vùng dưới cằm lệch phải đường kính khoảng 3cm, ấn đau nhẹ. Qua hình ảnh CTScan ghi nhận có dị vật dài khoảng 15-16mm ở sàn miệng, có dấu viêm sàn miệng, viêm lan dưới cằm. Bệnh nhân T.B.T được chẩn đoán là có dị vật sàn miệng, biến chứng áp xe mô mềm xung quanh.

Bệnh nhân T.B.T được phẫu thuật mở vùng sàn miệng đường ngoài dẫn lưu áp xe và lấy dị vật sàn miệng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ dẫn lưu ra khoảng 5ml mủ đục và lấy dị vật là xương cá (2 đoạn xương) ở vùng sàn miệng kích thước khoảng 15mm. Đến nay vết mổ khô, bệnh nhân được cắt chỉ và cho xuất viện.

Bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. 

Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, Bác sĩ CK II Nguyễn Tường Đức cho biết: “Khi dị vật cụ thể ở đây là xương cá đã “di cư” ra vùng cổ đặt ra khó khăn, thử thách lớn cho các bác sĩ trong phẫu thuật bởi đây là vùng này có nhiều mạch máu lớn. Trường hợp của bệnh nhân T.B.T do có dấu chỉ điểm là ổ mủ giúp bác sĩ xác định nhanh chiếc xương cá. Tuy nhiên, sau khi lấy đoạn xương cá ra thì phát hiện kích thước ngắn hơn hình ảnh CTScan, các bác sĩ tiếp tục tìm kiếm là lấy thêm đoạn còn lại của chiếc xương”.

Hằng năm, Bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận, điều trị khoảng hơn 3.000 trường hợp bị dị vật đường ăn. Trong đó, hóc xương cá chủ yếu ở người lớn (chiếm khoảng 84% trường hợp dị vật đường ăn ở người lớn).

Theo các bác sĩ, với các xương cá có độc tố cao sẽ gây áp xe lập tức khi người bệnh bị hóc xương nhưng những xương khác thì có thể nằm trong cơ thể lâu dài hơn. Do đó, khi nghi ngờ bị hóc xương cá, người dân không nên sử dụng những biện pháp dân gian vì dễ khiến cho trường hợp hóc xương đơn giản thành phức tạp.

Tiến sĩ, Bác sĩ CK II Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hóc dị vật đường ăn vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt với xương cá có thể di chuyển từ đường ăn đến các vùng khác như sàn miệng, vùng da, tuyến giáp… từ vài tháng đến một năm.

Trên đường “di cư” của xương cá có thể gây ra nhiều biến chứng, tổn thương. Đây là những trường hợp rất hiếm nhưng cần phát hiện, can thiệp kịp thời vì xương cá di chuyển ra vùng cổ có chứa nhiều mạch máu lớn, nhất là động mạch cảnh vừa gây tổn thương lớn cho người bệnh vừa gây khó khăn cho công tác điều trị”.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA

 *Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.