SGGP
Hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh, nha khoa, thẩm mỹ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động; nhiều cá nhân thực hiện khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề vừa bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM công bố xử phạt trên cổng thông tin điện tử của ngành.
Điều đáng nói, hầu hết những cơ sở này từng có nạn nhân nhập viện cấp cứu, điều trị, sau đó Thanh tra Sở Y tế mới kiểm tra và phát hiện vi phạm. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng cứ có tai biến xảy ra mới phát hiện cơ sở đó hoạt động không phép, bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề và người dân vẫn mãi là “chuột bạch”?
Đã từ rất lâu, nhiều phòng khám hành nghề tại TPHCM trục lợi trên nỗi đau, nỗi sợ hãi của bệnh nhân. Thậm chí, nhiều phòng khám bị tước giấy phép hoạt động nhưng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đấy, dùng chiêu “ve sầu thoát xác” thay tên, đổi bảng hiệu nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Ngành y tế thường xuyên tuyên truyền, kêu gọi người dân trước khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế phải tìm hiểu và lựa chọn các cơ sở uy tín để được điều trị bệnh an toàn, hiệu quả.
Thậm chí, ngành y tế còn tổ chức họp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức thống nhất các giải pháp nhằm tăng tính chủ động và hiệu quả hơn trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc tuyên truyền đã không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong khi chờ sự vào cuộc chung tay của của địa phương và người dân, Sở Y tế cũng cần thực hiện hiệu quả hơn việc kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm; tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm để lành mạnh hóa hoạt động khám chữa bệnh, làm đẹp thẩm mỹ trên địa bàn. Đừng bắt người dân phải “thông thái” hơn khi tìm địa chỉ uy tín, trong khi việc quản lý của cơ quan chức năng còn yếu kém.