Số hoá chất còn tồn đọng đến ngày 28.4.2023.
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình tiêu huỷ các sản phẩm kém chất lượng, người dân lo ngại việc xử lý chưa đúng quy định, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm.
Người dân lo ô nhiễm môi trường
Theo phản ánh của một đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp tại ấp Xóm Khách, xã Long Giang, huyện Bến Cầu, vào cuối tháng 4 vừa qua, Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành tiêu huỷ lô hàng hoá là phân bón lá kém chất lượng bằng cách đổ ra đất, gần với khu vực sinh hoạt của người dân trong khu dân cư.
Bà P.N.Q, chủ cơ sở kinh doanh tại ấp Xóm Khách cho biết, vào ngày 30.8.2022, đoàn thanh tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật do ông Kiều Quốc Hưng dẫn đầu tiến hành thanh, kiểm tra việc kinh doanh và chất lượng hàng hoá của cơ sở P.N.Q.
Qua kiểm tra, đoàn lập biên bản vi phạm các lỗi: kinh doanh sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nhãn ghi không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá và hàng hoá có giá trị là 6 triệu đồng; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với thuốc y tế.
Đến ngày 17.10.2022, đoàn thanh tra trở lại cơ sở, thông báo kết quả kiểm nghiệm các mẫu vật tư nông nghiệp được lấy trong đợt kiểm tra ngày 30.8. Trong đó, có hai mẫu phân bón lá được xác định là giả về giá trị sử dụng và công dụng, gồm phân bón lá Vietland 07 Bogold, do Công ty TNHH Hoá Sinh Vietland sản xuất và phân bón lá hỗn hợp nhãn hiệu NPK Bimix Seeds do Công ty cổ phần cây trồng Bình Chánh sản xuất. Đoàn thanh tra đã niêm phong các sản phẩm vi phạm gồm 358 chai phân bón lá Vietland 07 Bogold loại 500ml và 36 chai phân bón lá hỗn hợp NPK Bimix Seeds.
Nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bà P.N.Q đã thực hiện nghĩa vụ đóng phạt theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 24.4.2023, ông Kiều Quốc Hưng mới đến tháo niêm phong và tiêu huỷ số hàng hoá nói trên.
Theo bà Q, vào trưa ngày 24.4, đoàn thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh gồm có 2 người là ông Kiều Quốc Hưng và bà Nguyễn Thị Trinh Nương đến cơ sở, yêu cầu bà ký vào biên bản tháo niêm để tiêu huỷ số hàng hoá vi phạm.
Cho rằng đoàn sẽ thu giữ sản phẩm mang đi nơi khác tiêu huỷ, nên bà Q bỏ số chai phân bón trên vào thùng để tiện cho đoàn vận chuyển đi. Thế nhưng sau khi ra khu vực phía sau cửa hàng xem xét, ông Hưng yêu cầu bà Q tìm xe rùa (xe cút kít) vận chuyển số hàng hoá vi phạm ra phía sau cửa hàng tiêu huỷ bằng cách đổ trực tiếp xuống các hố đất (hố này hình thành từ việc nhà bà Q bứng gốc cây trồng).
Sau khi số hàng hoá vi phạm được vận chuyển ra phía sau, ông Hưng mở nắp, xếp thành vòng tròn trên miệng hố cho số hoá chất bên trong tự chảy ra, lấp đầy miệng hố, rồi lên xe bỏ đi mà không thu gom số vỏ chai trên. Trước khi đi, ông Hưng yêu cầu bà Q tự thu gom số vỏ chai trên với lý do “có việc phải đi gấp”.
Theo bà Q, vấn đề tiêu huỷ các sản phẩm phân bón lá vi phạm có điều “lạ”, vì trong biên bản mở niêm phong hàng hoá và biên bản tiêu huỷ tang vật, phương tiện hành chính ghi tiến hành vào 8 giờ ngày 27.12.2022 trong khi thực tế việc tháo niêm phòng và tiêu huỷ được thực hiện vào ngày 24.4.2023?
Ông Nguyễn Văn Hậu- Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu cho biết, Trạm và chính quyền địa phương không được thông báo về việc gỡ niêm phong và tiêu huỷ số tang vật vi phạm của cơ sở P.N.Q. Đến chiều 24.4.2023, bà Q chụp ảnh hiện trường nơi tiêu huỷ thì ông mới đến xem.
Theo ông Hậu, từ trước đến nay, ngành Nông nghiệp luôn vận động nông dân thu gom và bỏ rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vào những ống cống đặt tại những nơi cố định trên đồng ruộng để cơ quan chuyên môn thu gom đem đi xử lý theo quy định, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Số phân bón giả được đổ thẳng vào đất (ảnh do bà P.N.Q cung cấp).
Đổ “phân bón” ra đất có gây ô nhiễm môi trường?
Bà Lê Thị Kiều Trang- Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, theo kế hoạch, hằng năm, Thanh tra của Chi cục sẽ có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cây giống trên địa bàn tỉnh nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo đảm chất lượng nguồn giống và vật tư nông nghiệp, giúp nông dân an tâm sản xuất nông nghiệp.
Trong đợt thanh tra ngày 30.8.2022, đoàn thanh tra của Chi cục đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Bến Cầu, trong đó có cơ sở kinh doanh của hộ bà P.N.Q tại ấp Xóm Khách, xã Long Giang.
Thời điểm kiểm tra, đoàn đã lập biên bản vi phạm 2 lỗi: sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nhãn ghi không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật; hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với thuốc y tế (thuốc diệt côn trùng: Thifenapir 350SC và Sachoc 50EC).
Đoàn lấy mẫu một số loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gửi cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm. Kết quả xác định hai mẫu phân bón lá Vietland 07 Bogold và phân bón lá hỗn hợp nhãn hiệu NPK Bimix Seeds không đạt các chỉ số theo quy chuẩn QCVN 01-189:2019/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27.8.2019 của Bộ NN&PTNT, đoàn thanh tra của chi cục đã lập biên bản, niêm phong tang vật vi phạm và thanh mưu cơ quan chức năng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Riêng thời gian tiêu huỷ tang vật có sự sai lệch trong biên bản và thực tế là do cuối năm 2022, Chi cục có nhiều việc nên Thanh tra Chi cục “quên” thực hiện, để kéo dài đến tháng 4.2023 như phản ánh của chủ đại lý.
Theo bà Trang, việc ghi biên bản không đúng với thực tế là lỗi của Thanh tra Chi cục, do đó, bà đã yêu cầu ông Hưng nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đối với việc bà Q phản ánh việc tiêu huỷ tang vật bằng phương pháp đổ trực tiếp ra đất, bà Trang cho biết, hai sản phẩm vi phạm nêu trên đều là phân bón, việc đổ ra đất tiêu huỷ không ảnh hưởng đến môi trường như hộ bà Q và những hộ xung quanh lo lắng. Cũng theo bà Trang, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu huỷ sản phẩm phân bón được xác định là giả nên việc xử lý của thanh tra Chi cục không sai quy định.
Ông Kiều Quốc Hưng- Trưởng Phòng Hành chính, Tổng hợp, Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận thức việc ghi thời gian lập biên bản gỡ niêm phong và tiêu huỷ tang vật như trên là không đúng, và sẽ rút kinh nghiệm theo chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan.
Riêng việc đổ số tang vật vi phạm ra đất, ông Hưng cho rằng thời điểm thực hiện, ông có hỏi ý kiến của bà Q và nhận được sự đồng ý nên mới tiên huỷ tại chỗ. Cũng theo ông Hưng, số tang vật nêu trên đều có thành phần là phân bón hoá học dạng nước, khi đổ xuống đất chẳng những không gây hại mà còn tốt cho đất (!?).
Nguyên An