Như Thanh Niên đã đưa tin, cuối tuần qua, tài xế N.H.G.B (ngụ Tiền Giang) bị Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 (Cục CSGT, Bộ Công an) lập biên bản xử phạt sau khi ông B. “khoe” trên mạng xã hội clip phóng ô tô với tốc độ 210 km/giờ trên cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Ngoài việc xác định ông B. đã điều khiển phương tiện lưu thông quá tốc độ (tốc độ tối đa cho phép trên cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là 90 km/giờ), CSGT cũng xác định ông B. sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) đã hết hạn từ tháng 2.2015.
Câu chuyện quay clip khoe trên mạng xã hội về các hành vi thách thức quy định về an toàn giao thông như trường hợp ông B. xuất hiện không ít trong thời gian qua. Hồi cuối tháng 12.2023, bà N.T.D.M cũng bị xử phạt sau khi tung lên mạng xã hội clip quay lại cảnh phóng ô tô với tốc độ 140 km/giờ trong khu dân cư ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) vốn có tốc độ tối đa cho phép chỉ 60 km/giờ.
Mới đây, ngày 6.1, Công an TP.HCM công bố thông tin hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố bà Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) về tội danh “gây rối trật tự công cộng” liên quan việc tổ chức quay phim, dàn dựng rồi đăng các clip “thả tay lái mô tô” trên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.
“Họ có biết sai ?”
Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: “Họ có biết mình sai khi thực hiện những hành vi thách thức quy định pháp luật về an toàn giao thông như vậy?”. BĐ Minh Nghĩa nhận xét thêm: “Nếu họ biết, mà vẫn làm, thậm chí còn thoải mái tung lên mạng xã hội cho cả làng cùng xem, thì đó mới là điều đáng lo nhất”.
Đa số BĐ đều cho rằng bên cạnh các hình thức xử phạt hành chính như tước bằng lái, phạt tiền, giam xe… cũng cần có thêm chế tài mạnh hơn. BĐ Lại Quang Tấn nêu: “Trường hợp GPLX không còn hạn sử dụng phải coi đó là hành vi điều khiển xe mà không có GPLX. Đề nghị CSGT thông báo đến tất cả các trung tâm sát hạch cấm vĩnh viễn không cho thi lấy GPLX”. Tán thành, BĐ Nguyễn Quốc Huy cho rằng: “Phải phạt nặng vào mới chừa cái bệnh thích thể hiện mà bất chấp quy định pháp luật”. BĐ Huỳnh Chánh còn đề nghị “phải nghiên cứu ban hành hình thức xử phạt là tịch thu luôn xe vi phạm thì họ mới sợ”.
Nhận xét về việc liên tục xuất hiện những “trò lố” trên mạng xã hội liên quan đến các vụ đua xe, độ xe, thử xe… thời gian gần đây, BĐ Trường Lưu phân tích: “Chứng tỏ một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về hành vi vi phạm pháp luật, chỉ chạy theo đám đông, thấy người ta làm thì cũng làm theo rồi say sưa với lượt xem, lượt thích mà bất chấp tất thảy”.
Quản lý chặt, ngăn chặn sớm
Đồng ý với nhận xét của BĐ Trường Lưu về việc nhiều người chưa ý thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm an toàn giao thông, BĐ Tuấn An kiến nghị: “Bên cạnh việc tăng cường giám sát, xử phạt… cần có thêm nhiều kênh tuyên truyền để giáo dục pháp luật cho người dân”. “Hy vọng là qua câu chuyện cô người mẫu thả tay lái mô tô bị khởi tố, nhiều người sẽ giật mình khi ý thức được rằng các hành vi đùa giỡn hay khoe khoang lố lăng đều có thể bị xử lý rất nặng, đặc biệt là đừng có đùa với quy định pháp luật”, BĐ Thuần nêu.
Không chỉ xử lý nghiêm một khi phát hiện vi phạm, nhiều BĐ còn đề nghị các cơ quan quản lý cần quản lý chặt chẽ hơn, ngăn chặn sớm hơn những nội dung vi phạm pháp luật xuất hiện trên mạng xã hội. BĐ Thủy nêu ý kiến: “Làm sao đừng để môi trường mạng xã hội bị những người thích khoe khoang những trò lố lợi dụng”.
Chỉ vài phút nông nổi mà phải trả giá quá đắt.
Ha Nguyen
Lái xe với tốc độ như vậy là quá nguy hiểm cho những người xung quanh, nhưng mức phạt hiện tại cho hành vi này còn quá thấp.
Nguyễn Nông
Thay đổi cách phản ứng đi mọi người. Thay vì tranh cãi, hãy cùng nhau report các nội dung nhảm nhí, độc hại để giữ môi trường mạng xã hội sạch sẽ .
Tuấn Anh Lê