Giáo viên vi phạm bị xử lý
Những ngày qua, thông tin về hình thức xử lý đối với những giáo viên vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp đã phải nhận những hình thức xử lý tương xứng.
Thông tin từ Phòng GD&ĐT Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, cô giáo T.P.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Chương Dương vừa bị xử lý kỷ luật “Cảnh cáo” sau hơn 15 ngày bị tạm đình chỉ công tác do trước đó có động thái xin phụ huynh hỗ trợ kinh phí mua laptop cá nhân. Cùng với đó, cô H. không được đứng lớp giảng dạy mà phải chuyển sang phụ trách công tác giáo vụ từ ngày 21/10 đến hết năm học 2024-2025.
Như báo Kinh tế & Đô thị thông tin, đầu tháng 9/2024, cô H. bị nhiều phụ huynh lớp 4/3 gửi đơn phản ánh về việc nhắn tin đề nghị phụ huynh hỗ trợ 1 laptop cá nhân. Khi một số phụ huynh không đồng ý, cô H. thông báo sẽ không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Việc này khiến phụ huynh lớp 4/3 bất bình và phản ánh đến báo chí.
Cùng chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo như cô H. là cô N.T.V., giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Cô V. bị kỷ luật do có hành vi dùng lời lẽ xúc phạm học sinh lớp 4.
Trước đó, cô bị phụ huynh tố cáo việc đã xúc phạm, lăng mạ, ép học sinh đi học thêm. Trên cơ sở tường trình của cô V. cùng tài liệu xác minh, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và cơ quan chức năng xác định tố cáo của phụ huynh là có cơ sở.
Tại Trường Tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Ban giám hiệu nhà trường vừa ra quyết định tạm dừng công tác giảng dạy của cô giáo V.T.T. (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B) và chuyển cô sang làm văn thư tại trường sau khi xảy ra sự việc đánh học sinh bầm tím lưng.
Theo đó, sau khi nhận thông tin phản ánh, Ban giám hiệu nhà trường đã thực hiện kiểm điểm, chuyển cô T. sang làm văn thư tại trường. Điều đáng nói, năm học trước, cô T. từng đánh một học sinh và cũng bị phụ huynh phản ánh lên ban giám hiệu.
“Nhà trường đang chờ kết luận của cơ quan công an thị xã xem mức độ vi phạm như thế nào để đưa ra biện pháp xử lý tiếp theo đối với cô T.”, đại diện Trường Tiểu học Ba Đình thông tin.
Bài học sâu sắc
Các sự việc nêu trên chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng để lại nhiều suy nghĩ, day dứt và chua xót trong dư luận. Vì nóng giận, chưa hiểu rõ quy định và không thường xuyên, tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, các nhà giáo kể trên đã vi phạm quy định về những điều giáo viên không được làm, thậm chí vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo.
“Để xảy ra việc này, một phần trách nhiệm thuộc về nhà trường khi không sâu sát, quán triệt đến giáo viên. Nhà trường cũng đã họp rút kinh nghiệm tập thể để tránh sự việc tương tự xảy ra”, đại diện Trường Tiểu học Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá) thừa nhận. Bản thân các cô giáo gây nên các hành vi kể trên cũng đã nhận ra việc mình đã gây nên là sai và xin cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, hành vi vi phạm của các cô giáo kể trên là việc đáng buồn đối với ngành giáo dục và ông đồng tình với những hình thức xử lý nghiêm khắc, tương ứng với mức độ vi phạm để bảo đảm tính răn đe.
“Tôi mong rằng, các thầy cô, nhà trường lấy đó là bài học để rút kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân; cho đồng nghiệp. Các nhà quản lý cũng cần sâu sát hơn; thường xuyên thanh, kiểm tra công tác đứng lớp của giáo viên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sự việc tương tự”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/xu-ly-nghiem-giao-vien-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep-gay-buc-xuc-du-luan.html