Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), qua hơn 3 năm thực thi, Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tạo khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường chứng khoán; góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, giữ vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ, doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng.
Bên cạnh các kết quả tích cực, trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật cần được xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm kịp thời khắc phục hạn chế, rủi ro trong hoạt động của thị trường, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thị trường và huy động vốn để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo UBCKNN, mục tiêu chính của việc sửa đổi, bổ sung này là thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường chứng khoán, kịp thời khắc phục các bất cập trong quá trình thực hiện Luật Chứng khoán hiện hành. Việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số nội dung quan trọng như: nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP).
Mục tiêu của cơ chế CCP là giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội nâng hạng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn cho thị trường tài chính. Đây là một trong những giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong hoạt động giao dịch chứng khoán, tăng tính hấp dẫn và lòng tin của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, một trong những nội dung sửa đổi quan trọng khác là tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán. Các quy định mới sẽ bổ sung rõ ràng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, nhằm phòng ngừa và xử lý hiệu quả các vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường.
Gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68 sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây là một động thái nhằm cởi nút thắt pre-funding, là bước tiến gần hơn đến nâng hạng TTCK.
Cụ thể, Thông tư 68 năm 2024 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh. Theo đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán ngay trong ngày (T+0) và thanh toán vào các ngày sau (T+1/T+2). Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11.
Hiện tại, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và các nhà đầu tư đang làm việc để hoàn tất quy trình giấy tờ.
Nguồn: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/sua-luat-chung-khoan-xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-gian-lan-lua-dao-chung-khoan-post1127026.vov