Ông Bùi Văn H có nhu cầu tư vấn: Cháu ngoại tôi là Duy (17 tuổi) cùng với Tùng và Tứ rủ nhau đi trộm cắp. Khi tới nhà ông A thì Duy nói đau bụng nên bỏ ra về. Tùng và Tư lén trộm được 2 máy Laptop của ông A đem bán được 9 triệu đồng. Tùng và Tư chia đều mỗi người 4 triệu đồng, còn lại 1 triệu đồng rủ Duy cùng nhậu chung. Trong lúc nhậu, Tùng có cho Duy 500 ngàn đồng để sửa điện thoại. Xin hỏi, Duy tham gia trộm cắp nhưng giữa chừng bỏ cuộc, như vậy Duy có bị xử lý hình sự hay không?
Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
– Điều 19 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về “Không tố giác tội phạm” như sau:
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội “không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 390 của bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu TNHS theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu TNHS theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Theo đó, chủ thể là người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện nhưng không tố giác với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Biểu hiện bằng hành vi không tố giác tội phạm dù biết rất rõ về tội phạm.
Trong trường hợp này, Duy không trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp 2 máy laptop của ông A, nhưng là người biết rất rõ Tùng và Tư đã trộm cắp tài sản này đem bán lấy tiền chia nhau và Duy cũng có phần hưởng lợi. Duy biết nhưng vẫn để mặc tội phạm xảy ra và cố tình không tố giác tội phạm với cơ quan chức năng. Hành vi của Duy hoàn toàn là do lỗi cố ý và hành vi đó đã xâm phạm đến quyền về tài sản của ông A.
Như vậy, xét về tính chất, mức độ của hành vi là đủ dấu hiệu cấu thành tội “không tố giác tội phạm” và Duy có thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 390 của BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội này: Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 14 của bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 19 của bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017): “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật này có quy định khác”. Theo đó, Duy đã 17 tuổi nên sẽ phải chịu TNHS về mọi tội phạm.
Căn cứ quy định của điều luật, bản thân Duy có thể sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, ở thời điểm phạm tội thì Duy chưa đủ 18 tuổi nên tòa án sẽ xem xét tình tiết này, cùng với các tình tiết khác của vụ án để đưa ra mức án phù hợp, vừa có tính giáo dục vừa có tính răn đe.
H.Trâm (thực hiện)