Phòng vệ thương mại thời hội nhập: Mệnh lệnh thị trường và tiếng gọi trưởng thành Quy mô xuất khẩu tăng: Nhiều mặt hàng nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại |
Ông Trịnh Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về công tác phòng vệ thương mại và những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước, hàng hoá xuất khẩu.
Khi kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro lớn hơn, trở thành đối tượng của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh: TTXVN |
Xin ông cho biết, công tác phòng vệ thương mại đã có những đóng góp như thế nào trong việc bảo vệ lợi ích cho ngành sản xuất trong nước?
Kể từ khi Luật Quản lý ngoại thương chính thức có hiệu lực vào năm 2018, cơ sở pháp lý cho công tác phòng vệ thương mại đã được hệ thống hóa một cách đầy đủ. Cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại cũng được thành lập riêng để tập trung thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại.
Từ đó cho đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng 15 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 2 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và 28 vụ việc rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trên cơ sở đó, 16 biện pháp phòng vệ thương mại vẫn đang tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng là đối tượng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tương đối đa dạng, bao gồm các sản phẩm kim loại (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất – chất dẻo (sorbitol, màng BOPP, phân bón DAP), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía), trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng đối với đời sống của người nông dân.
Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không công bằng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.
Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phòng vệ thương mại đối với các nguyên liệu cơ bản cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước.
Ông Trịnh Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương |
Vậy, các hoạt động về phòng vệ thương mại đã có những đóng góp quan trọng ra sao trong việc duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu thời gian qua, thưa ông?
Với chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, trong đó kinh tế là lĩnh vực đi đầu, Việt Nam đã ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,3% trong năm năm 2018-2022 và đạt 355,5 USD Mỹ trong năm 2023, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 17 toàn cầu về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu.
Khi kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro lớn hơn trở thành đối tượng của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tính đến hết tháng 3/2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 24 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 247 vụ việc phòng vệ thương mại.
Không chỉ những mặt hàng thuộc các nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, da giày, dệt may, sắt thép… đã bị điều tra mà kể cả những nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá… cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.
Mặc dù về nguyên tắc, các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ để đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước nhưng nếu không xử lý tốt các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, mức thuế phòng vệ thương mại áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đẩy lên cao quá mức, làm giảm thị phần và thậm chí làm mất thị trường.
Vì vậy, trong công tác phòng vệ thương mại có một bộ phận quan trọng đó là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài thông qua các hoạt động tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình thủ tục điều tra, cách thức cung cấp thông tin để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra và theo dõi sát quá trình điều tra để đảm bảo nước nhập khẩu tuân thủ đúng các yêu cầu về điều tra phòng vệ thương mại trong các cam kết quốc tế, từ đó bảo vệ được lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhờ đó, cho tới nay, trong nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, kết quả đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là tích cực, giúp duy trì và ổn định được thị trường xuất khẩu kể cả khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (với các mặt hàng như tôm, cá tra – basa, một số sản phẩm thép, ván gỗ MDF…), nhất là xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Canada, các nước Đông Nam Á,…
Chẳng hạn như trong một số vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam như cá tra – basa, tôm, lốp xe, hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đều không bị áp thuế chống bán phá giá hoặc có mức thuế thấp. Trong hầu hết các vụ việc Canada điều tra chống trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của Canada đều có kết luận chung là doanh nghiệp của Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể.
Úc đã chấm dứt nhiều vụ việc như vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ống thép chính xác, chống bán phá giá dây đai thép phủ màu, ống đồng, amoni nitrat… Ấn Độ, Malaysia, Indonesia cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra CBPG đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh… Trong vụ việc chống bán phá giá với mật ong, Hoa Kỳ đã điều chỉnh thuế chống bán phá giá dành cho các doanh nghiệp Việt Nam từ mức trên 400% trong quyết định sơ bộ xuống gần 7 lần trong quyết định chính thức giúp ngành mật ong có thể tiếp tục nỗ lực duy trì xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Vậy cụ thể trong bối cảnh chúng ta tiếp tục thực thi các cam kết của nhiều hiệp định thương mại tự do, công tác phòng vệ thương mại sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nào trong thời gian tới?
Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại thông qua việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác phòng vệ thương mại trong 5 năm qua.
Thứ hai, hoàn thành 2 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới, 5 vụ việc rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đã có trong kế hoạch công tác năm một cách công bằng, minh bạch, đánh giá kỹ tất cả các yếu tố và tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Nếu các cuộc điều tra, rà soát này dẫn đến việc áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp đó phải được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ, bảo vệ được các ngành sản xuất trong nước nhưng có tính đến các tác động kinh tế xã hội.
Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong công tác này, hai nhiệm vụ quan trọng là xử lý vụ việc Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và vận hành hệ thống cảnh báo sớm để cung cấp các thông tin cảnh báo từ sớm, từ xa các mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại.
Thứ tư, thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp ở các ngành hàng cụ thể và tại các địa phương cụ thể nhằm tăng cường sự hiểu biết của các doanh nghiệp đối với công tác phòng vệ thương mại. Từ đó các doanh nghiệp có thể chủ động xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như biết cách sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành mình, của doanh nghiệp mình.
Bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của cơ quan quản lý, ông có khuyến nghị cụ thể nào đối với doanh nghiệp, ngành hàng để công tác phòng vệ thương mại đạt hiệu quả?
Trong các vụ việc phòng vệ thương mại, doanh nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng vì đây là đối tượng của các cuộc điều tra. Chỉ khi có được thông tin đầy đủ, chính xác từ doanh nghiệp, cơ quan điều tra mới có thể có những đánh giá khách quan, toàn diện về bức tranh của ngành, từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp về việc có áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hay không và áp dụng ở mức độ như thế nào.
Vì vậy, để xử lý hiệu quả các hoạt động điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu; trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại.
Doanh nghiệp, ngành hàng cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.
Đối với các ngành sản xuất trong nước chịu áp lực từ các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, cùng tập hợp nhau để đủ tư cách đại diện cho ngành theo quy định của pháp luật, thu thập các bằng chứng liên quan đến hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu và bằng chứng về thiệt hại của ngành, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra theo yêu cầu để cơ quan điều tra có đủ căn cứ xem xét việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tương ứng.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/xu-ly-hieu-qua-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-doi-hoi-su-chu-dong-cua-cong-dong-doanh-nghiep-320165.html