Lan tỏa từ những hành động nhỏ
Có không gian sân thượng rộng chưa đầy 30m2, chị Nguyễn Thị Thược (trú tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) đã tự tay trồng nhiều loại rau xanh nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình. Điều đặc biệt ở đây các chậu rau xanh đều sử dụng các thùng xốp đã qua sử dụng giúp tiết kiệm một khoản chi phí, đồng thời tối ưu được giá trị của đồ vật và giúp nó không bị bỏ đi vô ích.
Không chỉ vậy, chị Thược chia sẻ, nhiều loại đồ vật cũ trong nhà cũng được tái sử dụng thành vật dụng trang trí mới giúp kéo dài tuổi thọ của các vật liệu, từ đó có thể giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường. Từ những chai rượu cũ trở thành những bình hoa để trang trí cho không gian sống hay các chai nước, dầu gội, sữa tắm đã hết và biến chứng thành những chậu cảnh trang trí trong nhà.
“Từ khi “vườn rau mini” trên sân thượng trở thành nguồn vui cho cả gia đình khi cùng nhau làm việc thì cũng là động lực để tôi tái sử dụng nhiều sản phẩm khác để tận dụng tất cả những gì có thể để sáng tạo thành những đồ vật có ích, đồng thời dạy các con mình luôn trân trọng tất cả món đồ, không vứt bỏ lãng phí bất cứ thứ gì có thể còn dùng được” – chị Thược cho hay.
Trong khi đó, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đều sử dụng vật liệu tái chế, mang lại sức sống mới cho không gian này. Những bãi rác tạm bợ, thói quen không vệ sinh của người dân ở khu vực phường Phúc Tân và khu vực lân cận đã dần biến mất, những thói quen mới, những sinh hoạt mới của người dân địa phương từ trẻ con tới người lớn đã dần làm cho khu vực xóm ven sông trở nên sinh động và đầy sức sống hòa quyện vào thiên nhiên trong lành và không khí ánh sáng của những tác phẩm nghệ thuật.
Người dân đã dần quen với sự xuất hiện của các tác phẩm như một phần cuộc sống của họ, mang lại lợi ích về môi trường cảnh quan cũng như tiềm năng sinh kế khi khu vực này dần thu hút thêm khách tham quan, đồng thời cũng đã tạo ra nhiều ý tưởng cho người dân sinh sống tại đây tái chế các đồ vật đã qua sử dụng.
Anh Đàm Đức Thùy (Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, dự án công cộng đem lại cho người dân khu phố sức sống mới với sự sạch sẽ, khang trang. Từ thói quen vứt bỏ chai nhựa hoặc vứt bọc rác quanh hàng rào phía trước nhà, nay anh cùng các con mình học cách tái chế các đồ dùng trong nhà. Hộp đựng bút từ chai nhựa tái chế, chậu hoa từ vỏ chai nhựa… làm đẹp không gian sống. Thay vì để rác thải nhựa gây hại ngoại môi trường, tái chế chúng thành đồ trang trí không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải mà còn tạo ra những vật dụng hữu ích và đẹp mắt.
Theo các chuyên gia nhìn nhận, ưu điểm của việc tái sử dụng vật liệu trong xây dựng là tiết kiệm chi phí xử lý vật liệu thải, giảm ảnh hưởng có hại đến môi trường tự nhiên, giảm lượng rác thải xây dựng, và tận dụng triệt để nguồn tài nguyên… Đặc biệt, khai thác và sử dụng vật liệu tái chế trong xây dựng sẽ thúc đẩy các ý tưởng thiết kế sáng tạo, phong cách mới trong kiến trúc và nội thất.
Việc sử dụng vật liệu tái chế đem lại giá trị lớn trong thiết kế không gian sống cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Tính bền vững của công trình nhà ở sẽ được đánh giá qua những hiệu quả tích cực của không gian nội thất mang đến cho người sử dụng, tương tự như công trình đối với môi trường xung quanh.
Việc làm cần thiết
Với sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị, nhiều công trình và cơ sở hạ tầng được triển khai. Những khu đô thị cũ bị xuống cấp đã và đang thay thế bằng công trình mới quy mô và hiện đại. Hệ thống giao thông cũng từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng… Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đã tạo ra lượng rất lớn phế thải công trình, làm ảnh hưởng đến môi trường và tốn diện tích bãi thải.
Việc này khiến các TP đang phải đối mặt với thực trạng thiếu trầm trọng nơi tập kết, trung chuyển đất thải, phế thải xây dựng (PTXD); ngày càng khan hiếm các nguồn vật liệu tự nhiên. Việc tận dụng phế liệu, phế thải làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững trong xây dựng.
Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, từ năm 2019 đến nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên cả nước. Trong khi đó công tác thu gom, phân loại tại nguồn vẫn còn nhiều thách thức, chưa được triển khai phân loại đồng bộ.
Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước hiện mới có 1.548 cơ sở. Trong đó, cơ sở chôn lấp là 1.178 cơ sở (chiếm tới 76,10%), trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh; cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở, chiếm 21,96%. Số còn lại là cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn/phân hữu cơ là 30 cơ sở, chiếm tỷ lệ rất thấp là 1,94%.
Gợi mở hướng tái chế phế thải, theo TS Tống Tôn Kiên – Khoa Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Xây dựng, PTXD rất phong phú và đa dạng về chủng loại. Chất lượng vật liệu này cũng rất khác nhau khi thu gom từ các nguồn, công trình. Việc tận dụng phế thải làm vật liệu không chỉ tiết kiệm nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, mà còn giảm chi phí vận chuyển, đồng thời, tăng hiệu suất sử dụng các loại vật liệu tự nhiên.
Việc sử dụng vật liệu tái chế có thể chế tạo được các loại sản phẩm có giá thành thấp hơn vật liệu chế tạo mới từ nguyên liệu tự nhiên, tăng hiệu quả dự án. Tuy nhiên hiện thực hóa, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần phải đưa ra các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật để có thể tái sử dụng làm những loại vật liệu xây dựng phù hợp.
“Các thành phần chính của PTXD bao gồm các mảnh vỡ của bê tông xi măng; gạch đất nung, gạch ceramic ốp, lát; vữa xi măng – cát, vữa tam hợp vôi – xi măng; kính xây dựng; thạch cao xây dựng… Tất cả đều có khả năng tái chế thành các loại vật liệu thông dụng phù hợp với yêu cầu cũng như mang lại hiệu quả kinh tế khác nhau. Có thể dùng tất cả các loại PTXD làm vật liệu san nền cho công trình, làm cốt liệu tái chế cho bê tông và vữa xây dựng” – TS Tống Tôn Kiên cho hay.
TS Tăng Văn Lâm – Bộ môn Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Mỏ – Địa chất cho hay, chế tạo bê tông “xanh” sử dụng chất kết dính không xi măng từ hỗn hợp tro bay nhiệt điện, xỉ lò cao và phế thải gốm sứ là cần thiết nhằm giảm áp lực xử lý các loại chất thải của các nhà máy nhiệt điện, luyện kim; giảm thiểu ảnh hưởng khói bụi trong quá trình sản xuất xi măng, góp phần giải quyết bài toán khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình ở Việt Nam.
Loại vật liệu này nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững của đối tượng xây dựng khi sử dụng toàn bộ lượng phế thải rắn công nghiệp để thay thế xi măng Portland truyền thống. Việc tiêu thụ một lượng lớn phế thải rắn, góp phần tạo ra môi trường xanh hơn, giảm lượng chất độc hại ra môi trường, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đá vôi và đất sét.
Số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho thấy lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong năm 2019 là 64.658 tấn/ngày (trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày, nông thôn là 28.394 tấn/ngày). Đến nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đã tăng lên hơn 67.877 tấn/ngày (trong đó lượng rác tại đô thị là hơn 38.143 tấn/ngày, nông thôn hơn 29.734,30 tấn/ngày).
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/xu-huong-xanh-hoa-su-dung-vat-lieu-xay-dung.html