Quá trình thay thế USD – đồng tiền dự trữ toàn cầu – có thể kéo dài tới hàng thập niên, nhưng vàng đang được nhiều người kỳ vọng có thể trở thành đối thủ quan trọng của đồng bạc xanh, do tính thanh khoản cao cũng như lịch sử lâu đời.
Nhiều quốc gia nỗ lực rời xa USD do lo ngại vấn đề nợ tăng vọt và tác động từ các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. (Nguồn: biz.crast.net) |
Đồng USD đã giữ một vị trí ưu việt trong nền kinh tế thế giới kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Sự chấp nhận rộng rãi đồng nghĩa với việc đồng tiền này chiếm phần lớn dự trữ toàn cầu và thanh toán thương mại.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, USD vẫn là đồng tiền được giao dịch đơn lẻ nhiều nhất trên thị trường ngoại hối, với gần 90% giao dịch liên quan đến đồng bạc xanh.
Song, luôn có những câu hỏi về việc đồng tiền của nước Mỹ có thể duy trì trạng thái đặc biệt này trong bao lâu. Đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm sự thay thế trong 75 năm qua, đặc biệt là khi thị phần các các quốc gia ngoài Mỹ trong nền kinh tế thế giới tăng lên.
Đồng tiền dự trữ chính
Đồng bạc xanh được cho là nắm giữ hai vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đầu tiên là vai trò như một đồng tiền dự trữ cho các ngân hàng trung ương toàn cầu. Thứ hai là vai trò trong việc giải quyết các dòng thương mại toàn cầu.
Trong những thập niên qua, USD vẫn là đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến thời điểm hiện tại, tỷ trọng nắm giữ USD của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm hơn 70% so với năm 1999.
Tuy nhiên, quỹ này nhận định, USD vẫn giữ vị trí số một. Đồng tiền này chiếm khoảng 58,36% các quỹ dự trữ quốc gia trên toàn cầu trong quý IV/2022. Để so sánh, đồng Euro đứng vị trí thứ hai nhưng tỷ trọng kém xa, chỉ chiếm khoảng 20,5%, trong khi đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 2,7%.
IMF cũng thông tin, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều bất ổn, các quốc gia đã bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch xuyên biên giới. Lo ngại về vấn đề nợ tăng vọt và tác động từ các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, nhiều quốc gia đã ấp ủ ý tưởng rời xa đồng bạc xanh.
Đơn cử như Nga – nước phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ từ Mỹ vào năm ngoái – đã chuyển gần như toàn bộ giao dịch trong lĩnh vực năng lượng sang các loại tiền tệ khác, đặc biệt là đồng Ruble và Nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy quá trình giảm sự phụ thuộc vào USD, với mục đích làm suy giảm vị thế thống trị của đồng bạc xanh trong thương mại toàn cầu.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 4/2023, Tổng thống Brazil Lula đã nêu quan điểm cần giảm sự phụ thuộc vào USD trong giao dịch thương mại quốc tế. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng đề xuất nên thiết lập một Quỹ Tiền tệ châu Á nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD.
Ngoài ra, đầu tháng 4 năm nay, truyền thông Ấn Độ đưa tin rộng rãi về việc Ấn Độ và Malaysia có thể trao đổi thương mại bằng đồng Rupee.
Bất chấp những nỗ lực nói trên, IMF khẳng định rằng, dù tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng USD tiếp tục kéo dài đà giảm nhưng đây vẫn là đồng tiền được sử dụng nhiều hơn tất cả các loại tiền tệ khác cộng lại.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng, những quốc gia ngoài Mỹ đã nỗ lực nhiều hơn để phát triển các cơ chế giải quyết thương mại song phương bằng đồng nội tệ. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào như vậy sẽ khó diễn ra trong “một sớm một chiều”.
Còn giới chuyên gia thì nhận định, quá trình thay thế một đồng tiền dự trữ toàn cầu có thể kéo dài tới hàng thập niên.
Khoảng 80 năm trước, Bảng Anh mới là tiền tệ quốc tế. Danh hiệu này đã được đồng Bảng nắm giữ trong nhiều thập niên. Sau Hội nghị tiền tệ quốc tế Bretton Woods năm 1944, USD mới vươn lên vị trí dẫn đầu. Thực tế này đã chứng minh rằng, không nên kỳ vọng đồng bạc xanh bị bất kỳ ứng cử viên nào “đánh bại” trong tương lai gần.
Ngày càng bi quan về USD, 25% ngân hàng trung ương toàn cầu có kế hoạch tăng dự trữ vàng. (Nguồn: Getty Images) |
Vàng sẽ chiến thắng bất ngờ?
Trước bối cảnh đó, vàng được nhiều người kỳ vọng có thể trở thành đối thủ quan trọng của USD do tính thanh khoản cao cũng như lịch sử lâu đời. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn giữ vàng như một tài sản thay thế cho các loại tiền pháp định.
Trong năm 2022, kim loại quý là tài sản “nóng rẫy” với các ngân hàng trung ương. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cung cấp số liệu cho thấy, 2022 đánh dấu năm thứ 13 liên tiếp các ngân hàng trung ương mua vàng dự trữ và tổng lượng vàng được mua vào tăng tới 152% so với năm 2021, đạt 1.136 tấn – mức cao nhất kể từ năm 1950.
Không chỉ thế, nhu cầu mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 chiếm tới 23% tổng nhu cầu toàn thị trường, tăng đột biến so với mức từ 8-14% trong giai đoạn 2011-2019.
Khảo sát của tập đoàn tài chính UBS (Thuỵ Sỹ) với 83 ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng cho biết, 2/3 các ngân hàng sẽ tiếp tục mua vàng dự trữ trong năm nay. Hầu hết lãnh đạo và quản lý của các ngân hàng trung ương tham gia khảo sát nhận định, tính ổn định của vàng sẽ giúp các quốc gia phòng vệ trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị gia tăng, lạm phát tăng cao.
Cuộc khảo sát của WGC cũng thông tin rằng, gần 25% ngân hàng trung ương toàn cầu được hỏi cho biết đang tìm cách dự trữ thêm vàng thay vì USD. Theo khảo sát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bi quan hơn về đồng USD so với trước đây và do đó có kế hoạch tăng mua kim loại quý.
Dù vậy, không thể phủ nhận, kim loại quý vẫn có những hạn chế nhất định, đó là là nguồn cung không theo kịp nhu cầu. Mỗi năm, thế giới chỉ có năng lực khai thác một lượng vàng cố định, đồng thời, tổng trữ lượng vàng trên thế giới là hữu hạn.
Theo ước tính của WGC, cho tới nay, khoảng hơn 200.000 tấn vàng đã được khai thác và chỉ còn hơn 50.000 tấn nằm dưới mặt đất.
Trong khi đó, không có giới hạn nào cho quy mô hay tốc độ phát triển của một nền kinh tế. Bởi vậy, nếu sử dụng vàng trong giao dịch quốc tế, rất có thể nguồn cung sẽ bị thắt chặt và khiến đà phát triển của nền kinh tế bị kìm hãm.