HIỆN TƯỢNG GÂY SỐC MANG TÊN INDONESIA
Khi Liên đoàn Bóng đá Indonesia đồng ý với đề xuất của HLV đội tuyển nước này là ông thầy người Hàn Quốc Shin Tae-yong, về việc nhập tịch hàng loạt cầu thủ nước ngoài, đã vấp phải sự hoài nghi dữ dội của ngay chính CĐV Indonesia. Nhiều ý kiến đến từ các nước trong khu vực bày tỏ sự lo ngại khác nhau, nào là làm như vậy cầu thủ nội không còn “cửa” để phát triển tài năng, nào là ngôn ngữ bất đồng dễ sinh mất đoàn kết do không hòa nhập được cả lúc sinh hoạt lẫn thi đấu, nên lối chơi sẽ bị rời rạc, thất bại về kết quả. Nhưng bóng đá Indonesia đã “đáp trả” ngoạn mục những nghi ngại đó bằng hiệu quả thi đấu trên sân. Bóng đá nước vạn đảo đã bước đầu gặt hái được những thành công nhất định…
Việc vừa mới đây, đội tuyển Indonesia đã xuất sắc hòa Ả Rập Xê Út với tỷ số 1-1 ngay trên sân khách ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026 đã khiến nhiều người rất bất ngờ. Đáng chú ý, trong trận đấu này, HLV Shin Tae-yong đã sử dụng tới 9 cầu thủ nhập tịch trong đội hình xuất phát. Ở trận kế tiếp, Indonesia lại hòa Úc 0-0, một kết quả phải làm châu Á e ngại thực sự. Như vậy chủ trương xây dựng, tái thiết đội tuyển Indonesia nhờ cuộc cách mạng mang tên nhập tịch cầu thủ cho quả ngọt và dường như bóng đá Indonesia đã cố gắng bứt tốc, để vượt xa Thái Lan và VN.
CẦN CHÍNH SÁCH THOÁNG HƠN
Theo trang chuyển nhượng Transfermarkt, hậu vệ đến từ Hà Lan, nhập tịch Indonesia Mees Hilgers được định giá tới 7 triệu euro (gần 200 tỉ đồng), tức cao hơn cả đội tuyển VN cộng lại (6,83 triệu euro). Mẹ anh này là người Indonesia nên việc nhập tịch không quá khó khăn, thậm chí còn rất dễ dàng. Nhìn sang VN, chúng ta cũng có những cầu thủ mang trong mình một nửa dòng máu VN nhưng việc nhập tịch từng rất chông gai, thậm chí còn có lúc tưởng chừng không thể trở thành hiện thực. Tôi cũng hiểu cầu thủ gốc Việt đá bóng ở nước ngoài mà giỏi cũng không quá nhiều. Tìm đã khó và khi tìm được rồi thì bản thân cầu thủ ấy cũng vấp phải một số rào cản lớn nên quá trình nhập tịch vô cùng gian nan bởi những quy định khắt khe. Điển hình như thủ môn Nguyễn Filip. Đây được coi là một cầu thủ rất tài năng nhưng thủ tục nhập tịch chậm đến vài năm thì có lẽ không ổn khi độ tuổi cống hiến (thi đấu với phong độ cao) của cầu thủ lại không quá dài.
VN đã thống nhất quan điểm cho phép triệu tập cầu thủ gốc Việt về đá cho đội tuyển VN thì nên chăng đã đến lúc các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao…, cũng cần có cách giải quyết hợp lý hơn, chính sách thông thoáng hơn với cả cầu thủ nhập tịch không có gốc Việt. Người hâm bộ bóng đá VN cũng đang quan tâm đến câu chuyện của CLB Nam Định, đương kim vô địch V-League khi họ săn bằng được tiền đạo gốc Brazil Rafaelson trước đây. Mùa giải V-League 2023 – 2024, chúng ta đã chứng kiến phong độ thi đấu vô cùng đáng nể của tiền đạo người Brazil, khi anh ghi tới 31 bàn thắng cũng như có đến 6 kiến tạo sau 24 trận đấu ở mùa giải vừa qua. Riêng Rafaelson đóng góp tới hơn nửa trong tổng số 60 bàn thắng của CLB Nam Định, góp công đưa đội đến với ngôi vương giải bóng đá cao nhất VN. Ngoài ra, chân sút người Brazil cũng trở thành cầu thủ thứ 2 trong lịch sử V-League khi anh ghi được 5 bàn trong một trận đấu. Thủ tục nhập tịch của Rafaelson cũng đã hoàn tất. Anh đã viết đơn xin nhập tịch VN và nếu được đồng ý, anh muốn mang tên Nguyễn Xuân Son.
DĨ NHIÊN CÓ ĐƯỢC LÊN ĐỘI TUYỂN KHÔNG, CÒN NHIỀU YẾU TỐ
Tuy nhiên, việc Son có được gọi vào đội tuyển VN hay không (khi anh được nhập tịch thành công) còn phụ thuộc vào chủ trương của VN và cách nhìn nhận yếu tố chuyên môn của HLV trưởng. Hơn nữa, nếu đáp ứng được hai yêu cầu trên (chủ trương của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ VH-TT-DL và đơn vị quản lý bóng đá VN là Liên đoàn Bóng đá VN đồng ý cho gọi cầu thủ nhập tịch thuần túy 100%; kèm với việc HLV cho phép cầu thủ đó lên đội tuyển) thì cầu thủ nhập tịch cũng phải thỏa mãn các quy định của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Tức là phải có ít nhất 5 năm hành nghề bóng đá tại VN. Nếu lấy Rafaelson làm ví dụ, thì phải đến tháng 1.2025, cầu thủ này mới có đủ 5 năm hành nghề tại VN. Đó là điều kiện đủ về mặt thời gian để có thể gọi anh lên đội tuyển nếu vẫn giữ được phong độ xuất sắc.
Quay trở lại câu chuyện của thể thao thế giới. Chúng ta đều biết, cầu thủ hoặc rộng hơn là VĐV các môn nhập tịch đang là xu hướng chung của thế giới. Còn ở các nước trong khối ASEAN, chỉ trong bóng đá, các quốc gia lân cận VN như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan đều đã hoặc đang sử dụng cầu thủ nhập tịch. Trong số này, 2 đội tuyển Indonesia và Malaysia tràn ngập cầu thủ gốc nước ngoài. Như Indonesia, có đến 11 cầu thủ nhập tịch trong cùng thời điểm đội tuyển tập trung. Điều này cho thấy xu hướng thế giới đã như vậy thì VN có lẽ cũng cần thay đổi cách nghĩ cho mới hơn.
Tất nhiên đội tuyển quốc gia mà có đến 40 – 50% nhân sự là cầu thủ nhập tịch thì rõ ràng rất không nên. Song, nếu như trong đội hình mà có được 15 – 30% cầu thủ nhập tịch thì cũng nên suy nghĩ và nên chấp nhận nếu không muốn tụt hậu, nhất là một khi có khát vọng vươn tầm World Cup chứ không chỉ dừng lại ở cái “ao làng” rồi tự hào với nhau như lâu nay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/xu-huong-nhap-tich-bong-da-viet-nam-nen-ung-xu-the-nao-185240913221537217.htm