Trong những năm tháng phồn thịnh, Lễ Thất tịch ở Trung Quốc luôn phổ biến hình ảnh các cặp đôi trẻ cầm những bó hoa hồng lớn trên đường phố và mạng xã hội. Đây là ngày lễ truyền thống tôn vinh tình yêu và lòng chung thủy.
Ngày này, mọi người sẽ đua nhau lên mạng xã hội khoe những chiếc iPhone mới cứng và những chiếc túi Louis Vuitton được người yêu tặng, cũng như đăng những bức ảnh chụp bữa tối tại các nhà hàng sang trọng trong ngày lễ tình nhân của Trung Quốc, rơi vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm.
Đó là khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khiến cả thế giới phải ghen tị. Tuy nhiên Lễ Thất tịch năm nay (10/8 dương lịch) là một câu chuyện rất khác. Mọi người lên mạng để phàn nàn về việc thiếu quà tặng và thiếu tinh thần ngày lễ, với lý do nền kinh tế trì trệ và thị trường việc làm khó khăn.
Người trẻ không còn muốn chi tiêu cho chuyện hẹn hò
Hashtag “tiêu dùng giảm mạnh vào ngày lễ tình nhân của Trung Quốc. Người trẻ có muốn trả thuế tình yêu không?” đã trở thành chủ đề thịnh hành số 1 trên nền tảng Weibo vào ngày 10/8, thu hút 200 triệu lượt xem.
“Lễ Thất tịch không còn náo nhiệt như những năm trước. Cảm giác gần như hoang vắng”, một người dùng viết.
Chủ một số cửa hàng hoa đã lên mạng xã hội Tiểu Hồng Thư để than thở về tình trạng thiếu khách hàng, đăng tải hình ảnh những bông hồng ế khách xếp đầy cửa hàng của họ.
Các bài đăng khác buồn bã nhớ lại rằng các cặp đôi từng có tiền để chi tiêu khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hoạt động tốt. Trung Quốc hiện đang phải chịu một loạt những nỗi đau từ chi tiêu tiêu dùng chậm chạp đến tình trạng suy thoái bất động sản dai dẳng và cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng.
Phó giáo sư Alfred Wu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết những người trẻ tuổi, những người từng chi tiêu mạnh tay trong dịp Lễ Thất tịch, hiện đang phải vật lộn để tìm việc làm.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong từ công ty cung cấp dịch vụ giao dịch IG cho biết, sự sụt giảm chi tiêu có vẻ phù hợp với “xu hướng tiêu dùng yếu trong hai năm qua”, đồng thời nói thêm rằng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc “đang dao động quanh mức thấp kỷ lục”.
Chi tiêu của những cặp đôi ở Trung Quốc là vấn đề đối với chính quyền Bắc Kinh cũng như các doanh nghiệp toàn cầu. Những tuần gần đây, một số công ty đa quốc gia phương Tây, từ gã khổng lồ mỹ phẩm L’Oreal đến hãng sản xuất ô tô Volkswagen, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhu cầu yếu ở Trung Quốc khi niềm tin của người tiêu dùng vẫn trong tình trạng ảm đạm.
Không lập gia đình vì gánh nặng tài chính
Trên mạng xã hội, nhiều người phàn nàn rằng họ không thể lập gia đình vì nợ tiền hoặc phải làm việc nhiều giờ.
“Khi những người sinh sau năm 1990 hiện đang mắc nợ (hàng chục nghìn nhân dân tệ), khi ‘996007’ trở thành chuẩn mực, thì mọi người tìm đâu ra tâm trạng để hẹn hò?”, một người dùng Weibo đặt câu hỏi.
“996” và “007” ám chỉ giờ làm việc khét tiếng mà một số tập đoàn lớn nhất Trung Quốc yêu cầu: từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần. “007” nghĩa là làm việc 7 ngày/tuần.
Sự bi quan chung cũng được thể hiện trong dữ liệu thương mại và các dữ liệu khác. Theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu hải quan chính thức, lượng kim cương trang sức nhập khẩu của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhà cung cấp kim cương De Beers cho biết trong báo cáo bán niên năm 2024 rằng “những thách thức kinh tế hiện tại” ở Trung Quốc đã làm chậm lại quá trình phục hồi dự kiến sau sự suy giảm mạnh vào năm 2023.
Theo dữ liệu công bố vào thứ sáu tuần trước của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, các khoản nợ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, một thước đo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này, đã giảm gần 15 tỷ USD trong quý từ tháng 4 đến tháng 6. Đây là lần thứ hai điều này xảy ra kể từ năm 1998, nhấn mạnh sự thất bại của Trung Quốc trong việc ngăn chặn dòng vốn chảy ra.
Niềm tin người tiêu dùng thấp đáng báo động
Theo truyền thuyết Lễ Thất tịch, ngày 7/7 âm lịch là ngày duy nhất trong năm mà đôi tình nhân Ngưu Lang – Chức Nữ có thể gặp nhau trên một cây cầu bắc qua sông Ngân.
Trong những năm trước, đây là cơ hội màu mỡ cho các công ty Trung Quốc và phương Tây tiếp thị hàng hóa của họ. Nhưng điều đó đã thay đổi. Các CEO toàn cầu không còn có thể trông cậy vào Trung Quốc như một trụ cột thương mại nữa.
“Trung Quốc là nơi duy nhất trên thế giới mà lòng tin của người tiêu dùng vẫn ở mức rất thấp”, CEO L’Oreal, Nicolas Hieronimus, chia sẻ với các nhà phân tích trong lần báo cáo thu nhập vào cuối tháng trước.
Ông trích dẫn thị trường việc làm yếu kém và bất động sản là lý do gây ra tình trạng khó khăn. Ông nói thêm rằng tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong ngành làm đẹp toàn cầu năm nay phần lớn là hậu quả của việc người tiêu dùng Trung Quốc có lòng tin thấp.
Tuần trước , công ty quảng cáo WPP cho biết doanh thu quý 2 tại Trung Quốc đã giảm gần 1/4 so với năm trước, và triển vọng cũng không khả quan hơn là bao.
“Tôi dự kiến nửa cuối năm sẽ vẫn rất khó khăn ở Trung Quốc”, Giám đốc tài chính Joanne Wilson nói thêm trong cuộc gọi về thu nhập. “Tôi dự kiến trong cả năm, (doanh thu) sẽ giảm hai chữ số”.
Volkswagen và Mercedes đều có đánh giá bi quan tương tự về nền kinh tế Trung Quốc.
“Kể từ khi thoát khỏi các hạn chế do COVID vào đầu năm ngoái, tâm lý người tiêu dùng đã không quay trở lại”, Chủ tịch Tập đoàn Mercedes Benz Ola Kaellenius trả lời các nhà phân tích vào ngày 26/7. “Chúng ta không biết phải mất bao lâu để người tiêu dùng Trung Quốc lấy lại được niềm tin đó”.
Hoài Phương (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/xu-huong-khong-chi-tieu-cho-chuyen-tinh-cam-cua-gioi-tre-trung-quoc-post307823.html