Các ý tưởng khởi nghiệp ở Hội An đều hướng tới việc phát huy giá trị văn hóa bản địa, gìn giữ môi trường sinh thái, liên kết để làm du lịch cộng đồng. Điều quan trọng là những ý tưởng đều xuất phát từ tình yêu đối với Hội An chứ không chỉ nhằm tạo ra lợi nhuận đơn thuần.
Tạo “kênh” cộng hưởng
Tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Quảng Nam đầu tiên tại Hội An – Hoi An Starup Club từ những ngày đầu thành lập (tháng 4/2017), Lê Hoàng Hà ở xã Cẩm Thanh cho rằng, đây là một “kênh” tốt để bản thân cũng như các bạn trẻ có cơ hội thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của mình.
“Tôi thành lập Công ty TNHH Trải nghiệm sinh thái ETOUR Hội An với các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường như tour xe đạp, khám phá làng nghề truyền thống, trồng dừa nước, vớt rác trên sông… để kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước, những người đam mê, cùng chung suy nghĩ, ý tưởng để tìm cơ hội và hướng phát triển, tạo “kênh” tốt để cộng hưởng, có cơ hội sáng tạo cái gì đó giúp cho xã hội tốt hơn” – Hà chia sẻ.
Phát huy lợi thế truyền thống bản địa và nền tảng giá trị canh tân để khởi nghiệp
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An đã biết phát huy lợi thế truyền thống bản địa và nền tảng giá trị canh tân, văn hóa của mình để xúc tiến nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2022, nhiều dự án của Hội An đã lọt vào top 10 chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia và đoạt giải cao tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam.
“Tôi đặc biệt đánh giá cao Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An cùng với Hội LHPN thành phố vì đã tổ chức những diễn đàn mà tại đó chúng ta được kết nối, chia sẻ khá mạnh mẽ về ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo. Và Hội An cũng là địa phương tổ chức nhiều diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo có tầm vóc quốc gia với sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Đây là điều rất phấn khởi, là tiền đề, nền tảng để chúng ta triển khai Năm quốc gia khởi nghiệp 2023”.
Cũng ở Cẩm Thanh, người dân địa phương và cả du khách đều yêu thích xưởng tre Taboo Bamboo Workshop của Võ Tấn Tân bởi đây thực sự là một không gian văn hóa gần gũi với thiên nhiên.
Đến với xưởng tre này, PGS-TS.Đỗ Thị Thanh Thủy – Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhìn nhận, Võ Tấn Tân là người đam mê và đã sáng tạo nên rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất, các vật dụng, đồ lưu niệm, các món đồ chơi độc đáo từ tre, trúc, lá dừa, những vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường.
Những sản phẩm bền đẹp, sinh động, có giá trị gia tăng cao này đã góp phần lan tỏa lối sống xanh, đồng thời chuyển tải những nét đẹp mộc mạc, thân thiện, thanh bình của cảnh quan, con người Hội An tới du khách.
Còn Võ Tấn Tân thì mỗi ngày đều miệt mài với tre, trúc, lá dừa để làm ra những con chuồn chuồn, bàn, ghế, giường, xe đạp, cốc uống nước, ống hút, đũa, bát… để lan tỏa lối sống “xanh” cho du khách trong và ngoài nước.
“Thay vì người ta mua những vật dụng bằng nhựa hoặc kim loại thì sẽ nghĩ đến tre, lúc đó mình lại có cơ hội để mở rộng thị trường. Người ta biết nhiều về tre Việt Nam thì phương thức tiếp cận sẽ tốt hơn cho mình” – Tân nói.
Nắm bắt xu hướng
Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An (HASA) cho biết, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương bền vững và lâu dài thì định hướng xây dựng sản phẩm dựa trên nền tảng văn hóa – sinh thái, tái chế – sáng tạo, giáo dục cộng đồng và du khách… sẽ tạo ra không gian xanh bền vững cho môi trường di sản.
“Chúng ta hiểu rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của mình sẽ gắn bó hài hòa với sự bền vững của thiên nhiên, môi trường. Vì vậy các doanh nghiệp Hội An cần nắm bắt xu hướng xanh này để xây dựng những sản phẩm mang lại sự an toàn, sức khỏe. Tôi hy vọng sau này, Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An sẽ có lịch sử của từng bạn khởi nghiệp để mọi người đến đây có thể được nghe và tham quan câu chuyện khởi nghiệp” – ông Lê Ngọc Thuận bộc bạch.
Hội An đang xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch, những ý tưởng khởi nghiệp cũng được định hướng theo sự phát triển của thành phố; trong đó du lịch sinh thái là sản phẩm du lịch đang được nhiều du khách lựa chọn. Năm 2022 Hội An đã có hàng chục mô hình du lịch xanh thí điểm thực hiện thành công. Ngoài ra, hơn 60 doanh nghiệp ký cam kết không rác thải, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 70 – 100 đơn vị có chứng nhận nhãn du lịch xanh…
“Hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp nhưng đã dần tạo được thương hiệu riêng. Các ý tưởng khởi nghiệp ở Hội An đều hướng tới việc phát huy giá trị văn hóa bản địa, gìn giữ môi trường sinh thái, liên kết để làm du lịch cộng đồng. Điều quan trọng nhất là những ý tưởng đều xuất phát từ tình yêu đối với Hội An chứ không chỉ nhằm tạo ra giá trị lợi nhuận đơn thuần” – ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.