(MPI) – Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 thuận lợi hơn quý I/2024 với 79,0% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (37,4% tốt hơn và 41,6% giữ ổn định), 21,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo quý III/2024 khả quan hơn quý II/2024 với 82,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (40,7% tốt hơn, 42,2% giữ ổn định), 17,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên các chỉ số cân bằng. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm) đánh giá về từng hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh quý II/2024 so với quý I/2024 là 16,4% (37,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, 21,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất với 19,1% (39,9% tốt hơn, 20,8% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp FDI 18,8% (39,0% tốt hơn, 20,2% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 15,1% (36,5% tốt hơn, 21,4% khó khăn hơn).
Chỉ số cân bằng chung quý III/2024 so với quý II/2024 là 23,6% (40,7% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, 17,1% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất với 26,6% (43,0% tốt hơn, 16,4% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp FDI 25,8% (42,6% tốt hơn, 16,8% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 22,3% (39,6% tốt hơn, 17,3% khó khăn hơn).
Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý II/2024 so với quý I/2024 là 13,5% (34,6% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới tăng, 21,1% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới giảm). Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 19,6%; khu vực doanh nghiệp FDI 15,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 12,2%.
Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý III/2024 so với quý II/2024 là 21,8% (38,0% doanh nghiệp dự báo tăng và 16,2% doanh nghiệp dự báo giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 23,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 21,2% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 18,5%.
Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý II/2024 so với quý I/2024 là -1,9% (14,6% doanh nghiệp nhận định lao động tăng, 16,5% doanh nghiệp nhận định lao động giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với 4,6% (22,9% tăng, 18,3% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -4,1% (14,4% tăng, 18,5% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -4,8% (10,7% tăng, 15,5% giảm).
Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý III/2024 so với quý II/2024 là 5,0% (15,8% tăng và 10,8% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng cao nhất với 11,3%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 2,3% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 0,0%.
Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý II/2024 so với quý I/2024 là 17,9% (38,7% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất tăng; 20,8% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất với 22,2% (43,0% nhận định tăng, 20,8% nhận định giảm); khu vực doanh nghiệp FDI với 21,6% (41,4% nhận định tăng, 19,8% nhận định giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 15,8% (37,1% tăng, 21,3% giảm).
Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý III/2024 so với quý II/2024 là 23,6% (39,8% doanh nghiệp dự báo tăng, 16,2% doanh nghiệp dự báo giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 26,9%; khu vực doanh nghiệp nhà nước 23,8% và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 22,0%.
Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 là -8,5% (19,4% doanh nghiệp nhận định tăng và 27,9% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp FDI là -1,9% (23,6% tăng, 25,5% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -11,4% (17,3% tăng, 28,7% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -11,7% (19,8% tăng, 31,5% giảm).
Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý III/2024 so với quý II/2024 là -10,8% (15,9% tăng, 26,7% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI -3,8%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -13,7% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -15,1%.
Theo kết quả khảo sát quý II/2024, có 78,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý I/2024 (34,6% tăng, 44,3% giữ nguyên); 21,1% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 49,4%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 32,7%.
Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý III/2024 so với quý II/2024 tăng với 83,8% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (38,0% tăng, 45,8% giữ nguyên), 16,2% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 78,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2024 tăng và giữ nguyên so với quý I/2024 (28,8% tăng, 49,6% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 21,6%.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 47,0%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 37,6%.
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2024 khả quan hơn với 83,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý II/2024 (33,1% tăng, 50,6% giữ nguyên); 16,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Quý II/2024 có 14,6% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động tăng so với quý I/2024; 68,9% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 16,5% doanh nghiệp nhận định giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 33,2%. Ngược lại, ngành sản xuất trang phục có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý II/2024 so với quý I/2024 giảm nhiều nhất với 26,8%.
Dự báo sử dụng lao động quý III/2024 khả quan hơn quý II/2024 với 89,2% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (15,8% tăng, 73,4% giữ nguyên); 10,8% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
Kết quả khảo sát cho thấy, quý II/2024 có 92,2% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (26,9% tăng, 65,3% giữ nguyên); 7,8% doanh nghiệp nhận định giảm so với quý I/2024.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất trang phục và sản xuất kim loại cùng có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 32,4%. Ngược lại, ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 giảm nhiều nhất với 12,5%.
Dự báo quý III/2024 so với quý II/2024, có 92,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (22,0% tăng, 70,2% giữ nguyên), 7,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.
Trong quý II/2024, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 73,8%. Có 43,5% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90%; 28,9% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90% đến 100%; 17,7% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến dưới 70% và 9,9% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.
Theo ngành kinh tế, quý II/2014, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan là ngành có công suất sử dụng máy móc thiết bị bình quân cao nhất với 81,2%. Ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc thiết bị bình quân thấp nhất với 66,1%.
Kết quả khảo sát quý II/2024, có 79,2% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý I/2024 (38,7% tăng, 40,5% giữ nguyên), 20,8% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 53,6%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất với 32,5%.
Khối lượng sản xuất quý III/2024 so với quý II/2024 khả quan hơn với 83,8% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (39,8% tăng, 44,0% giữ nguyên), 16,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2024 thuận lợi hơn quý I/2024 với chỉ số cân bằng chung là 16,4%, đây là quý có chỉ số cân bằng chung cao thứ ba kể từ sau đại dịch Covid-19 (thấp hơn quý II/2022 với 20,4% và quý IV/2021 với 19,1%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước có chỉ số cân bằng cao nhất. Dự báo quý III/2024 khả quan hơn quý II/2024 với chỉ số cân bằng chung đạt 23,6%. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có sự phục hồi rõ nét nhất với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định các yếu tố “khối lượng sản xuất”, “đơn đặt hàng”, “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động” tăng so với quý I/2024 lần lượt là 45,6%, 40,1%, 40,7% và 31,7%.
Trong quý II/2024, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 53,4% và 50,4%. Bên cạnh đó, “lãi suất vay vốn cao” là khó khăn mà doanh nghiệp đánh giá tăng nhiều nhất so với quý I/2024 (tăng 3,9 điểm phần trăm so với quý I/2024) với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 22,3%.
Đối với nhóm ngành dệt, may, da giầy: hai khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong quý II/2024 là đơn hàng xuất khẩu và lao động có tay nghề. Có tới 57,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục; 55,8% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 47,1% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Bên cạnh đó, có 54,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục, 36,5% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 24,1% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-6-30/Xu-huong-cong-nghiep-che-bien-che-taomcwojy.aspx