(CLO) Trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, “chảo lửa” Trung Đông bất ngờ bị “đẩy nóng”, cộng đồng quốc tế lại ghi nhận những tín hiệu xấu trên Bán đảo Triều Tiên. Liệu căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng có thể dẫn đến một cuộc chiến lớn trong bối cảnh hiện nay?
Trên các phương tiện truyền thông và giới chuyên gia (chủ yếu là ở phương Tây và Hàn Quốc), ngày càng có nhiều dự báo thường xuyên về một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra ở Đông Bắc Á sau vụ cho nổ đường biên giới của Triều Tiên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại rõ ràng là không thể nói căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang trên bờ vực một cuộc chiến tranh.
Trong quan hệ liên Triều hơn 70 năm qua đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ quân sự khác nhau, tuy nhiên không dẫn đến xung đột toàn diện, và nhiều dự báo về cuộc chiến đang đến gần trên Bán đảo Triều Tiên vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiện nay, do tác động từ bên ngoài và lịch sử căng thẳng giữa hai nước, tiềm năng xung đột trên Bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục gia tăng. Một loạt sự kiện trong những tuần gần đây liên quan đến vụ máy bay không người lái Hàn Quốc xâm phạm không phận Triều Tiên, các cuộc tập trận quân sự của Hàn Quốc, những tuyên bố cứng rắn, đe dọa lẫn nhau đã thổi bùng căng thẳng giữa hai bên.
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) chiều 13/10, Bộ Quốc phòng Triều Tiên đã ra lệnh cho 8 lữ đoàn pháo binh gần biên giới với Hàn Quốc vào tư thế sẵn sàng khai hỏa và các lực lượng phòng không của nước này cần tăng cường nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Bình Nhưỡng. Bà Kim Yo Jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong Un cảnh báo sẽ xảy ra một “thảm họa khủng khiếp” nếu Triều Tiên phát hiện thêm bất kỳ thiết bị bay không người lái nào của Hàn Quốc bay qua Bình Nhưỡng.
Thực tế, cuộc đối thoại về quan hệ liên Triều đang rơi vào bế tắc ngoại giao. Trong khi, Hàn Quốc yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và vô điều kiện đối với nước láng giềng phía bắc; ngược lại, Triều Tiên tuyên bố vũ khí hạt nhân là vấn đề an ninh quốc gia và bảo vệ chủ quyền nên sẽ không giảm bớt kho vũ khí hạt nhân, và thậm chí sẽ không chỉ dừng lại ở câu chuyện răn đe, mà sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền bị xâm phạm.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên liên tục nhấn mạnh rằng, vũ khí hạt nhân nhằm mục đích phòng thủ chống lại sự xâm lược từ bên ngoài và sẽ được sử dụng để đáp trả chính sự gây hấn này. Tuy nhiên, ở Seoul và Washington, những tuyên bố này được hiểu theo cách hoàn toàn ngược lại. Hơn nữa, thái độ cứng rắn của nhà lãnh đạo Triều Tiên rất phù hợp với chiến lược kiềm chế các đối thủ của Mỹ và đồng minh ở khu vực.
Rõ ràng, trong thời điểm hiện nay cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; bởi lẽ, hai nước này hiểu rằng, đây sẽ là kịch bản tồi tệ với người dân hai nước và người được hưởng lợi sẽ là các đối tác bên ngoài.
Theo Alexandra Zueva, chuyên gia Viện Nghiên cứu Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên đồng nghĩa với việc quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn không ngừng được tăng cường, thúc đẩy. Đây là nền tảng quan trọng giúp bảo đảm sự hiện diện quân sự thường xuyên của Mỹ ở Đông Bắc Á nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, qua đó cạnh tranh ảnh hưởng với các đối thủ, nhất là Nga và Trung Quốc. Hay nói cách khác, các bước đi của Mỹ và các đồng minh ở châu Á đối với Triều Tiên đều gián tiếp nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc và Nga.
Khi áp lực lên Triều Tiên từ liên minh Mỹ – Hàn ngày càng tăng, giới lãnh đạo Triều Tiên đang thực hiện những hành động mới để cảnh báo các đối thủ rằng phản ứng là không thể tránh khỏi trong trường hợp xảy ra xung đột. Một ví dụ về những bước đi như vậy là những bức ảnh được KCNA công bố về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới một cơ sở làm giàu uranium. Chuyến thăm đã gây ra làn sóng suy đoán tại sao nhà lãnh đạo Triều Tiên cần phải làm điều này trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang muốn tạo một “phép thử” cho Mỹ khi mà nước này đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Hiện nay, cán cân lực lượng trên Bán đảo Triều Tiên vẫn được duy trì; bất chấp thực tế là tiềm năng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng phát triển, song sức mạnh của quân đội Hàn Quốc cũng được tăng cường nhờ vào sự hỗ trợ của đồng minh. Điều này được củng cố thêm bởi những yếu tố bên ngoài: Nga và Trung Quốc không ngừng tăng cường hợp tác với Triều Tiên, còn liên kết hợp tác ba bên Mỹ – Nhật – Hàn ngày càng chặt chẽ.
Điều gì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân lực lượng hiện nay trong khu vực? Kịch bản có khả năng xảy ra nhất, làm leo thang đáng kể, sẽ là việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên, quyết định như vậy phần lớn sẽ phụ thuộc vào chiến lược chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ tiếp theo. Hiện tại, chưa có ứng cử viên nào công bố kế hoạch như vậy.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, nếu bà Kamala Harris thắng cử, Washington sẽ tiếp tục chính sách mở rộng răn đe hạt nhân đối với Triều Tiên và bảo đảm “chiếc ô an ninh” cho các đồng minh trước mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên. Nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, chính sách đối với Bán đảo Triều Tiên sẽ khó phán đoán hơn. Ông Trump thậm chí có thể cố gắng tham gia đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong Un một lần nữa, vì nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trước đó đã thất bại. Song Mỹ sẽ phải thực hiện các bước đi nhằm hạ nhiệt tình hình ở Đông Bắc Á trước khi thuyết phục Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/xu-huong-cang-thang-leo-thang-tren-ban-dao-trieu-tien-post317213.html