“Cúng giao thừa lo gặp xui xẻo”
Thời gian gần đây, mạng xã hội xôn xao khi nhiều người tự xưng là chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ các video, bài viết có nội dung không nên cúng giao thừa trong năm.
Theo đó, những người này lý luận, tiết Lập Xuân là ngày đầu năm mới. Năm nay tiết Lập Xuân rơi vào ngày 25 tháng 12 Âm lịch. Vậy nên, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là đêm 24 – sáng 25/12 Âm lịch tức ngày 4/2. Đây chính là đêm giao thừa.
“Thông thường, các gia đình sẽ phải cúng giao thừa vào lúc này, nhưng vì ngày 25 là ngày Mậu Tuất, năng lượng không tốt nên sẽ gặp xui xẻo. Nếu cúng giao thừa vào ngày đó, gia chủ sẽ nạp hết những điều xấu vào người. Còn cúng vào ngày 1/1 Âm lịch – tức 10/2 thì không có ý nghĩa gì, vô thưởng vô phạt vì đó không phải là ngày đầu năm mới”, một thầy tự nhận là chuyên gia văn hóa đăng tải trên Tiktok.
Nhiều người khi xem video này cảm thấy vô cùng lo lắng. “Năm mới ai cũng mong chờ điều tốt lành. Nếu cúng giao thừa mà gặp xui xẻo thì ai còn dám hành lễ”, chị Vũ Thu Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa Phương Đông cho hay, về lịch pháp có nhiều loại lịch: Dương lịch, Âm lịch, lịch Tiết khí… Việc tính toán thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới được tính theo Âm lịch, không liên quan gì đến lịch Tiết khí.
Trên thực tế, việc tiết Lập Xuân đến trước hay đến sau ngày mùng 1 Tết là việc rất bình thường, chỉ là sự lệch nhau về toán học trong phép tính lịch.
“Việc đưa ra quan điểm cúng giao thừa vào lúc nửa đêm của ngày Lập Xuân cũng không đúng. Thời khắc chuyển tiết khí cực hiếm khi trùng vào lúc 12h đêm.
Ví dụ như năm nay, tiết Lập Xuân chuyển vào lúc 15h27 ngày 25/12 Âm lịch thì tại thời điểm qua 12h đêm vẫn là thuộc tiết khí cũ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Tuệ nêu.
Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa Phương Đông, thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện quan điểm về việc không cúng giao thừa vào đêm ngày 30 mà cúng vào đêm ngày 24. Đây là quan điểm lệch lạc, truyền bá sai trái nhằm thu hút sự chú ý của mọi người, để tăng tương tác, câu view…
“Tết là một thời khắc thiêng liêng, tồn tại trong tâm thức của mọi tầng lớp nhân dân từ xưa đến nay. Ngày Tết có nhiều phong tục đẹp mà chúng ta cần gìn giữ. Vì vậy, cần phải bài trừ các quan điểm lệch lạc sai trái, để không làm ảnh hưởng đến những nét đẹp truyền thống”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Phân biệt tiết Lập Xuân và giao thừa
Trước băn khoăn của nhiều người, chuyên gia phong thủy Phạm Cương chỉ ra điều bất hợp lý trong video của các thầy cúng online.
Theo chuyên gia này, lịch Tiết khí là một hệ thống phân chia thời gian tính theo quỹ đạo mặt trời quay quanh trái đất, kết hợp với sự quan sát biến đổi của thời tiết và môi trường tự nhiên qua từng mùa.
Theo truyền thuyết, một năm 365 ngày sẽ có 24 tiết khí lấy tiết Lập Xuân làm tiết khí đầu tiên, sau đó đến Vũ Thủy, Kinh Trập, Xuân Phân, Thanh Minh…. và kết thúc là tiết Đại Hàn. Mỗi một tiết khí kéo dài 15 ngày.
Thời gian của tiết Lập Xuân tính theo Dương lịch vào ngày 4/2 (hoặc 5/2) hàng năm và kết thúc vào 18/2 (hoặc 19/2). Năm 2024, Tiết Lập xuân bắt đầu vào ngày 4/2 Dương lịch.
Đối với người Việt, lịch Tiết khí thường ít được ứng dụng cho các dịp lễ Tết quan trọng. Phổ biến nhất chỉ có tiết Thanh Minh với nghi lễ đi tảo mộ. Còn các tiết khí khác, trong đó có tiết Lập Xuân thường không có nghi lễ.
Tiết Lập Xuân thường trùng với gian đoạn thời tiết ấm áp, cây cối sinh sôi nảy nở tốt, dương khí dồi dào nên rất thuận lợi để người dân tiến hành gieo trồng mùa vụ mới, hoặc làm những việc quan trọng như động thổ xây nhà, cưới hỏi…
Với các nhà nghiên cứu Kinh dịch hay Tứ trụ, tiết Lập Xuân được tính là khởi đầu của năm mới. Điều này chỉ dùng trong thuần túy học thuật.
Theo ông Cương, những lời phán của các thầy cúng online là lệch lạc, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi đánh đồng lịch theo Tiết khí với nghi lễ cúng giao thừa gắn liền với Tết Nguyên đán của người Việt theo Âm lịch.
“Từ xưa đến nay, tất cả các ngày lễ Tết của người Việt (hay Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…) không bao giờ lấy theo lịch Tiết khí mà luôn theo Âm Lịch (lịch mặt trăng)”, chuyên gia phong thủy Phạm Cương nhấn mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Tết Nguyên đán nằm trong quan niệm về Bát Tiết của người Việt, đó là những ngày Tết có cúng lễ bao gồm: Nguyên đán, Thượng nguyên, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Thường tân, Đông chí. Một số lễ Tết hiện nay đã được lược bớt nhưng Tết Nguyên Đán vẫn mang những giá trị truyền thống, nguyên bản.
Tết Nguyên đán là lớn nhất, còn gọi là Tết Cả. Hai chữ “Nguyên đán” là một danh từ chữ Hán. “Nguyên” nghĩa là đầu; “đán” nghĩa là buổi sớm; “Nguyên đán” là buổi sớm đầu năm…
Tết Nguyên đán khởi đầu từ lễ cúng đêm giao thừa (giao thời, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới) nên bao giờ cũng vào giờ Tý ngày 1/1 theo Âm lịch.
Chuyên gia Phạm Cương nhấn mạnh: “Nếu lấy tiết Lập Xuân (vào 4/2 hoặc 5/2 Dương lịch) để tính giao thừa thì sẽ đảo lộn luôn thời gian của Tết Nguyên đán vốn đã tồn tại từ hàng ngàn năm trong tâm thức của người Việt Nam. Đây là quan niệm sai lệch cần phê phán”.
Lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch. Theo quan niệm dân gian, cúng giao thừa với ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới, xin các vị thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc.
“Đó là nghi lễ quan trọng mỗi gia đình cần phải làm chứ không phụ thuộc vào ngày đó năng lượng tốt hay xấu. Quan niệm là ngày xấu thì không được cúng giao thừa thể hiện cái nhìn lệch lạc và không hiểu ý nghĩa của văn hóa Việt”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng với sự nở rộ của mạng xã hội, ngày càng có nhiều người tự xưng là chuyên gia tâm linh, chuyên gia văn hóa, chuyên gia phong thủy trên mạng xã hội. Họ đưa ra những thông tin khó kiểm chứng, khiến nhiều người lo lắng. Nhiều người vì sợ này, sợ kia mà tin theo.
Trước thực trạng này, các chuyên gia văn hóa cho rằng, nghi lễ cúng giao thừa hay rộng hơn là phong tục thờ cúng tổ tiên, thần linh là một nét đẹp trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt tồn tại hàng ngàn năm, ngày càng được chuẩn hóa và truyền lại qua nhiều thế hệ.
“Chúng ta nên giữ gìn và thực hiện theo truyền thống của cha ông. Nếu cần tham khảo thì nên tìm đến những kênh thông tin chính thống và các chuyên gia uy tín, không nên nghe những “chuyên gia online” trên mạng đưa những thông tin lệch lạc, hù dọa với mục đích xấu hoặc nhằm tăng tương tác bán hàng, câu view”, ông Phạm Cương nêu quan điểm.