Từ đêm 1/11 đến rạng sáng 2/11, nhiều gia đình Công giáo tụ họp đông đủ thành viên cùng đến thắp nến, dâng hoa lên mộ phần tổ tiên, người thân quá cố. Họ hướng về Thánh giá và tượng Chúa cùng cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất ở nghĩa trang Xóm Đạo Tha La (xã Trảng Bàng, Tây Ninh).
Lễ cầu cho các tín hữu (người theo đạo) đã qua đời còn được mọi người gọi là “Lễ Các Đẳng Linh hồn” hoặc gọi vắn tắt là “Lễ Các Đẳng” diễn ra sau Lễ Các Thánh Nam Nữ. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng của người Công giáo ở Tha La.
Vào ngày Lễ Các Đẳng, các phần mộ người đã khuất tại đất Thánh Tha La được người thân đến trang hoàng và dọn dẹp lại sạch sẽ.
Khi trời vừa sập tối là lúc đất Thánh Tha La được thắp sáng bằng hàng nghìn ngọn nến lung linh, làm sáng bừng một vùng trời xua đi cảm giác cô đơn lạnh lẽo thường ngày nơi nghĩa trang, thay vào đó là không khí linh thiêng, ấm áp.
Vào năm 1867, những ngôi mộ đầu tiên được chôn cất tại đất Thánh. Qua nhiều năm, đất Thánh Tha La đã trải qua nhiều lần cải tạo và mở rộng, hiện có hơn 1.000 ngôi mộ của người Công giáo được chôn cất tại đây.
“Mỗi năm vào tháng 11, tôi lại đến đất Thánh Tha La để dâng lời cầu nguyện cho người thân của mình. Việc viếng nghĩa trang và cầu nguyện không chỉ là nghĩa cử yêu thương đối với người đã khuất, mà còn mang lại nhiều phúc lành cho chúng tôi”, ông Phúc (67 tuổi, Trảng Bàng) nói.
Trên mỗi phần mộ còn được thắp sáng bằng những ngọn nến trắng, trên nến có hình Thánh giá hoặc những câu kinh Thánh. Những ngọn nến lung linh trên các phần mộ nơi đất Thánh thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Công giáo họ đạo Tha La.
Dưới vô vàn ngọn nến lung linh, có người chơi nhạc cụ bên phần mộ của người thân mình làm cho bầu không khí tại đất Thánh thêm gần gũi và ấm cúng hơn.
Nhiều em nhỏ đi cùng gia đình đến đất Thánh từ sớm, các em cùng nhau trò chuyện, chơi đùa bên cạnh phần mộ của ông bà tổ tiên.
Nhiều gia đình còn mang nhiều loại hoa rực rỡ đến để trang hoàng phần mộ của người thân mình.
Trong thời khắc lung linh huyền diệu nhất, các thành viên trong gia đình tụ họp, quây quần bên nhau để cùng đọc kinh, cầu nguyện cho linh hồn người đã mất.
Nét đẹp nơi nghĩa trang vào Lễ Các Đẳng không chỉ thể hiện lòng biết ơn dành cho người đã khuất, mà còn bày tỏ tình cảm giữa người với nhau, giữa những người còn sống.
Bà Thanh (69 tuổi) lặng nhìn di ảnh của người thân sau khi đốt nến và cầu nguyện.
“Không khí tại đất Thánh vào ngày lễ rất thiêng liêng và ấm cúng. Tại thời khắc ngồi bên ngọn nến này, tôi thấy mình được gần gũi với người thân của mình nhất”, bà Thanh nói.
Xóm Đạo Tha La (xã Trảng Bàng, Tây Ninh) hiện có hơn 5.000 giáo dân đang sinh sống. Đây là địa danh tôn giáo lâu đời nhất ở Tây Ninh, là minh chứng cho lịch sử của những tín đồ Công giáo đầu tiên ở địa phương này.
Xóm Đạo Tha La từng được nhắc đến trong bài thơ nổi tiếng “Tha La xóm đạo” của nhà thơ Vũ Anh Khanh, sau này tác phẩm còn được nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc.
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/xom-dao-tha-la-ruc-sang-trong-le-dot-den-cua-nguoi-cong-giao-20241102074718061.htm