Từ lâu, xôi ngũ sắc đã được biết đến là ẩm thực đặc sản, món ăn truyền thống trong các dịp lễ tết của đồng bào dân tộc Mường (xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung.
Tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng với bộ ảnh “Xôi ngũ sắc” sẽ giúp quý vị trải nghiệm rõ hơn quy trình tỉ mỉ làm xôi ngũ sắc từ khâu chọn nếp cho đến nấu lá, giã lá, củ lấy nước màu để trộn vào nếp. Đồ xôi, nấu xôi phải đủ chuẩn để có nồi xôi đượm màu, các màu không lẫn vào nhau. Xôi chín cần có sự khéo léo của người xới, gạt, trộn đều các lớp xôi màu với nhau để có món xôi ngũ sắc đẹp mắt, hương vị thơm ngon đặc trưng của núi rừng. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Nguyên liệu để làm xôi màu tím, xanh lam, đỏ là từ 3 loại lá cây cơm nấp ngâm gạo; màu vàng từ hoa khô của một loại cây trên rừng, còn màu trắng thì để nguyên gạo, thế là được 5 màu rất đẹp.
Để đảm bảo màu đẹp, người hái lá phải tránh không được để lẫn các loại cây màu với nhau. Tiếp đó là sự cầu kỳ trong khâu nấu lá, giã lá, củ để lấy nước màu dùng cho việc trộn vào gạo nếp để tạo màu. Gạo nếp cái sau khi được ngâm nước sẽ được trộn theo từng màu khác nhau, ngâm qua đêm để màu thấm vào từng hạt gạo nếp. Sự kỹ tính của món xôi ngũ sắc còn ở chỗ các loại cây, lá màu cũng phải được nấu ở các nồi khác nhau để tránh bị lẫn màu.
Quá trình đồ xôi ngũ sắc cũng đòi hỏi phải có một sự cảm nhận đủ chuẩn của người nấu để có thể nấu một nồi xôi đủ thời gian, vừa chín tới, vừa đượm màu.
Khâu đồ xôi cũng đòi hỏi sự cầu kỳ không kém khi người đồ cũng phải bỏ từng lượt gạo đã trộn màu vào trõ. Gạo nhuộm những màu sắc mạnh, dễ bị dây màu sang các màu khác như vàng, đỏ, tím thường được rải ở lượt dưới cùng trõ đồ, ngăn cách nhau bằng lá chuối và trên cùng chắc chắn phải là lớp gạo nếp nguyên thủy, màu trắng. Riêng màu trắng được để trên cùng để tránh bị nhuộm màu bởi những màu khác.
Người Mường quan niệm năm màu của xôi tượng trưng cho triết lý ngũ hành âm dương và con người hòa hợp. Màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu trắng tượng trưng cho Kim, màu xanh lam tượng trưng cho Thủy, màu vàng là Thổ và tím tượng trưng cho Mộc. Đồng thời, nó còn thể hiện tình cảm đoàn kết của dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc ở miền Tây Bắc nói chung. Sắc màu của xôi còn thể hiện những ước vọng của người Mường về một cuộc sống hài hòa với trời đất, sự sum vầy của gia đình, sự gắn kết của cộng đồng và sự may mắn trong cuộc sống.
Có lẽ vì thế, mà xôi ngũ sắc là món ăn thường được đồ để sử dụng trong các dịp lễ, tết, những bữa tiệc tiếp khách quý. Xôi ngũ sắc thường hiện diện trên bàn thờ dịp Tết Nguyên đán hay các dịp rằm tháng riêng, tháng 5, tháng 8 để cúng tổ tiên, ông bà như một lời khẳng định tấm lòng thơm thảo con cháu tưởng nhớ đến cội nguồn tổ tiên.
Vietnam.vn