Bà tôi làm nghề bán xôi chè quà sáng từ hơn 20 năm trước ở góc quán làng Yên Phú (xã Văn Phú, H.Thường Tín, TP Hà Nội). Ngày đó, nấu xôi chè khá vất vả, sáng nào bà cũng dậy từ 3 giờ sáng, nấu nồi chè đỗ đen to ú ụ cùng với đồ xôi đỗ xanh. Nấu chè bằng rơm rạ, rồi chuyển sang củi, than, ngày mưa cũng như ngày nắng, chẳng có ngày nào bà tôi không có mặt ở góc quán làng, chăm sóc bữa sáng cho lũ nhỏ.
Tôi nhớ 1 bát xôi chè ngày đó là 500 đồng nhưng bà bán cả bát 300 đồng cho bạn nào không đủ tiền. Nồi xôi chè của bà đựng trong sọt sắt, quấn rơm xung quanh để giữ nhiệt, nồi chè mở ra lúc nào cũng nóng hôi hổi đến bát cuối cùng.
Chè đen sóng sánh miệng bát, ở giữa là nhúm xôi đậu xanh chìm dần trong chè. Xôi chè vừa ăn vừa thổi, tôi lấy thìa vét xung quanh, chỉ muốn đút ngay cả thìa vào miệng cho thỏa nhưng nóng lắm, phải thổi phải đợi.
Tôi hỏi sao bà nấu chè lại sánh như thế, còn chè đá ăn ban trưa lại loãng như nước, bà tôi bảo đó là do bột sắn, thứ bột tạo sánh rất phổ biến, mỗi loại có một vị ngon riêng của nó, nếu cháu cho đá vào ăn với xôi chè sẽ chẳng ra món gì cả.
Tuy chỉ là thứ quà sáng bình dân nhưng bà tôi chẳng bao giờ làm qua loa hay đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Bà luôn chọn các hạt đỗ đen to mẩy nhất, trộn thêm ít đậu Hà Lan cho thơm, loại bỏ thẳng tay các hạt cẹ, hạt lép và ninh thật nhừ, để hạt đỗ đen lúc nào cũng bở, thơm không bị cứng, sượng.
Bà có thói quen hỏi các khách hàng nhí của mình sau mỗi bát rằng “có ngon không cháu”. Câu trả lời quen thuộc bao giờ cũng là “ngon lắm bà ạ”, thế là ngày mai, ngay kia, lại khách hàng đó, chỗ ngồi đó, thân thương trao tay bát xôi chè.
Thấm thoát, bà đã là người thiên cổ 7 năm rồi, gánh xôi chè của bà không có ai kế thừa, tuy nhiên, ký ức về “bà cụ bán xôi chè góc quán” chắc chắn in sâu trong tâm trí của không ít thanh niên làng bây giờ. Còn với tôi, cho dù bà đã đi xa nhưng mỗi lần nhìn thấy hàng bán xôi chè là tôi lại nhớ đến bà, và phải ghé vào ăn một bát cho đỡ nhớ.
|
Nguồn: https://thanhnien.vn/xoi-che-song-sanh-tren-don-ganh-cua-ba-1851108209.htm