ĐB Tô Văn Tám phản ánh tình trạng quy hoạch được lập, phê duyệt nhưng thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch. Việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 – 10 năm, có khi là 20 năm, có khi là lâu hơn nữa. Người dân vẫn thường gọi trường hợp này là quy hoạch “treo”. Theo ông Tám, các quy hoạch “treo” không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng phát triển KT-XH mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
“Những cư dân trong khu vực quy hoạch “treo” sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, đi không được, ở không xong. Quyền lợi của họ không được coi trọng đúng mức. Sửa luật Đất đai cần có quy định rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này”, ông Tám nhấn mạnh. Từ đó, ĐB đoàn Kon Tum kiến nghị cần bỏ “tầm nhìn” trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo dự thảo là 10 năm đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
“Tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo, mà dự báo có thể chính xác hoặc không. Như thế cũng có thể là một tác nhân của quy hoạch “treo”. Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định cụ thể quy hoạch đất đai là bao lâu, hoặc quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch”, ông Tám phân tích. Ông đề nghị bổ sung quy định tại điều về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nội dung: nếu hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không thực hiện quy hoạch, dự án thì hủy bỏ quy hoạch.
Sẽ minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Cũng liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ĐB Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đề nghị dự thảo luật không quy định nội dung phải xin ý kiến Bộ TN-MT đối với nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Bà Hiền cho rằng quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã có trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Ngược lại, khi xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác.
ĐB Hà Nam cũng đề nghị không quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện trong dự án luật. Vì thực chất kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện chỉ mang tính chất tập hợp, tổng hợp thông tin, ít có tính khả dụng, rất mất thời gian và gây lãng phí nguồn lực. “Trong trường hợp luật vẫn quy định phải có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì tôi đề nghị cần đơn giản hóa các tiêu chí và nội dung của kế hoạch, không nên quá chi tiết, cụ thể, sẽ gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cả trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch”, bà Hiền nêu.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh nói đồng tình với các ý kiến của ĐB, làm thế nào để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, nhân dân phải chờ đợi. Tuy nhiên, ông cho biết hiện phải thực hiện theo luật Quy hoạch, làm quy hoạch tổng thể quốc gia cho tới quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. “Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ căn cứ vào các quy hoạch này. Bởi vì phải định hướng trước thì kế hoạch đi theo sau. Nếu như chúng ta làm tốt định hướng các quy hoạch này thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ không bị treo”, ông Khánh nói và nhấn mạnh sẽ công khai, minh bạch cho nhân dân được theo dõi, được sử dụng, khai thác và được giám sát việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.