Nhiều tỉnh kêu thiếu biên chế giáo viên
Vài năm qua, vấn đề thiếu giáo viên xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trước năm học 2022 – 2023, tình trạng các tỉnh đồng loạt kêu thiếu biên chế như Thanh Hoá thiếu hơn 10.000 giáo viên, Nghệ An thiếu 6.000, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thiếu 3.000 nghìn giáo viên… khiến dư luận rất bất ngờ.
Xã hội hóa giáo dục là giải pháp căn cơ Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng tinh gọn. Cơ cấu lại đội ngũ viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo gắn với tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hoàn thiện việc phê duyệt Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập… Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; có cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục để giảm tải đối với khu vực công. |
Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 – 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã giao biên chế về cho các tỉnh.
Tuy nhiên, mới đây nhiều tỉnh, thành cử tri lại tiếp tục có kiến nghị bổ sung biên chế giáo viên hoặc xin cơ chế đặc thù liên quan đến tuyển dụng và sử dụng giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học ở địa phương. Đơn cử như cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai để đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh.
Trong trường hợp Trung ương không bổ sung đủ biên chế giáo viên cho năm học 2022 – 2023, đề nghị có văn bản cho phép địa phương không tiếp tục tinh giản biên chế giáo dục và được phép hợp đồng giáo viên đứng lớp trong định mức quy định, kinh phí trả lương hợp đồng trong phạm vi ngân sách địa phương tự cân đối. Được biết, trước đó tỉnh Gia Lai được Trung ương bổ sung 1.244 biên chế giáo viên năm học 2022 – 2023.
Cử tri thành phố Hải Phòng cũng có kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh và giao chỉ tiêu biên chế đối với ngành Giáo dục và Đào tạo theo nhu cầu từng tỉnh, thành phố để các địa phương chủ động trong việc đào tạo, tuyển dụng và sử dụng. Đồng thời nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách cụ thể riêng đối với việc giảm biên chế và giao chỉ tiêu biên chế để việc phân bổ chỉ tiêu biên chế nói chung và ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng được thuận lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cần giải pháp đồng bộ
Chia sẻ về thực trạng thiếu giáo viên, ông Nguyễn Thế Bình – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, năm học 2022-2023 là năm học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong điều kiện thiếu giáo viên các cấp học rất lớn đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên các môn học đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật,…; khó khăn trong công tác tuyển dụng do nguồn tuyển rất hạn chế và thực hiện tinh giản biên chế.
Vấn đề thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học hiện vẫn là tình trạng chung của cả nước, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Nguyên nhân do những năm gần đây, có khá nhiều giáo viên môn Tiếng Anh chuyển công tác về vùng thuận lợi (bao gồm cả chuyển ra ngoài tỉnh) hoặc xin thôi việc để chuyển sang lĩnh vực/công việc khác có thu nhập cao hơn nhưng chưa được tuyển bổ sung kịp thời (do thực hiện tinh giản biên chế).
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, tại một số địa phương có tình trạng thừa thiếu cục bộ. Tuy nhiên, rất khó để điều chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu. Bởi đặc thù địa bàn các huyện cách xa nhau, trong khi giáo viên vốn cống hiến lâu năm, họ đã gắn bó và có cuộc sống ổn định nên việc điều chuyển giáo viên đi công tác từ nơi thừa đến một địa phương thiếu là rất khó khăn và nhiều bất cập.
Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nguyên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) – bà Bùi Thị An cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các tỉnh thực hiện theo Luật Giáo dục, theo định mức giáo viên trên lớp.
“Các tỉnh cần rà soát ngay lập tức, cần dựa trên tiêu chuẩn số giáo viên trên lớp, căn cứ vào đặc thù vùng núi từ đó xác định nhu cầu tuyển dụng” – bà Bùi Thị An nêu ý kiến. Bởi theo vị này, việc thiếu giáo viên cần phải làm rõ nguyên nhân. Đây là vấn đề lớn, giáo dục là quốc sách hàng đầu, không thể để tình trạng thiếu giáo viên, học sinh lên lớp không có giáo viên để dạy.
“Vấn đề thiếu giáo viên hiện nay về bản chất cần được làm rõ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có báo cáo tổng thể để trình lên cấp trên xem xét về vấn đề này” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, nếu như bây giờ tỉnh nào đề xuất tăng mà quyết luôn cho các tỉnh đó tăng biên chế thì rất bất cập. Tỉnh nào xin tăng biên chế đều cho tăng sẽ ảnh hưởng chung đến việc tinh giản bộ máy.
“Ngành giáo dục cần có rà soát nhất định để có được cái nhìn khái quát ở tầm vĩ mô về thực trạng thiếu giáo viên và tìm ra giải pháp” – bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát và báo cáo đề xuất về vấn đề này. “Phải rà soát một cách cụ thể và tổng thể và có những tham mưu đề xuất nhất định về vấn đề này. Từng tỉnh cũng phải rà soát. Những tỉnh nào tình trạng thiếu giáo viên đến mức nóng thì tỉnh ấy cũng nên xem xét lại. Vì giờ đây, biên chế giao cho tỉnh, trong một tỉnh có thể tự sắp xếp cân đối giữa các ngành để làm sao đảm bảo không thể thiếu biên chế một cách trầm trọng” – ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Trước đề xuất của nhiều tỉnh, thành phố liên quan đến biên chế giáo viên, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cần được các địa phương thực hiện nghiêm túc trên nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc. Do đó, các địa phương cần có các giải pháp phù hợp để bảo đảm có đủ số lượng giáo viên giảng dạy cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Như vậy có thể thấy việc thiếu biên chế giáo viên là thực trạng chung ở nhiều địa phương. Muốn giải quyết cần phải có biện pháp tổng thể, sự bắt tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Nếu không quyết liệt thực hiện thì vấn đề này còn kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Trinh Phúc