Xin chữ ông đồ, xem tranh vẽ rắn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hà Nội - Triển lãm thư pháp “Thực học” tại Hội Chữ Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày 100 tác phẩm thư pháp trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Báo Lao ĐộngBáo Lao Động24/01/2025

Chiều 23.1, tại Hồ Văn, thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 chính thức mở cửa chào đón người dân.

Chương trình năm nay quy tụ 47 ông đồ, đều là các nhà hoạt động thư pháp đã được chọn lựa thông qua khảo tuyển.

Các lãnh đạo thành phố tham quan Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Mai Chi

Màn trình diễn viết thư pháp tại lễ khai mạc chương trình. Ảnh: Mai Chi

Đặc biệt, Hội chữ Xuân năm nay ghi dấu ấn với không gian Hồ Văn được cải tạo và chỉnh trang toàn diện. Sự đổi mới này không chỉ tạo nên không gian thoáng đãng, an toàn mà còn nâng cao trải nghiệm của du khách trong hành trình khám phá văn hóa đầu xuân.

Hoạt động xin chữ, cho chữ diễn ra tại gian lều của 47 ông đồ. Ảnh: Mai Chi

Ngoài hoạt động xin chữ, cho chữ đặc trưng, tại khu vực này, 3 triển lãm đặc sắc được tổ chức. Triển lãm thư pháp “Thực học” trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ, tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng chữ của dân tộc. Các tác phẩm lấy cảm hứng từ di sản của các danh nhân như Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…, khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích thế hệ trẻ cống hiến cho quê hương.

Hơn 100 bức thư pháp được trưng bày độc đáo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Mai Chi

Bên cạnh đó, triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” mang đến 50 tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc được chọn lọc từ “Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam – Vietnam Heritage Photo Awards 2012-2018”. Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ấn tượng về di sản văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam.

Triển lãm “Vẽ con rắn” mang đến 77 tác phẩm minh họa của 75 họa sĩ trong và ngoài nước, thể hiện góc nhìn đa dạng về linh vật năm Ất Tỵ trong văn hóa truyền thống và hiện đại.

Triển lãm “Vẽ con rắn” mang đến nhiều câu chuyện hay và sáng tạo về biểu tượng Rắn. Ảnh: Mai Chi

Trong khu nội tự, khách tham quan có thể thưởng thức triển lãm “Dấu xưa Văn hiến 3: Thiên Quang” và “Bia đá kể chuyện 2”, tái hiện giá trị văn hóa, giáo dục khoa cử của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội chữ Xuân là một điểm hẹn văn hóa thú vị dịp Tết. “Các triển lãm, hoạt động trải nghiệm đa dạng tạo nên một không gian nhiều sắc màu. Từ đó, chúng kết nối mọi người với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc” - ông Lê Xuân Kiêu phát biểu.

Du khách thích thú với các hoạt động tại Hội chữ Xuân. Ảnh: Mai Chi

Lần đầu tiên đến với Hội chữ Xuân, bà Lưu Mai (65 tuổi, TPHCM) hào hứng tham gia các hoạt động tại đây. “Hội chữ Xuân góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống viết chữ giữa thời buổi công nghệ số. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều sự kiện văn hoá tương tự để người dân trên mọi miền Tổ quốc có cơ hội trải nghiệm” - bà Mai chia sẻ.

Ngoài những triển lãm kể trên, Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, trò chơi dân gian và biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Sự kiện kéo dài đến ngày 9.2 (tức 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ), mở cửa đón khách từ 8h đến 22h hằng ngày.

Trải nghiệm phở Thìn tại Hội chữ Xuân. Ảnh: Mai Chi

Laodong.vn

Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/tin-tuc/xin-chu-ong-do-xem-tranh-ve-ran-tai-van-mieu-quoc-tu-giam-1454352.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available