1. Tôi không hề ngần ngại gọi HLV Mai Đức Chung là một huyền thoại của bóng đá Việt Nam, bởi trước hết ở ông hội tụ những điều vô cùng đặc biệt.
Thời là cầu thủ, với biệt danh Chung “xe ca” (biệt danh gắn với đội bóng đầu tiên: Xí nghiệp Xe ca Hà Nội), phong cách thi đấu rất hiện đại, sút bóng và đánh đầu đều cừ khôi, ông từng là tiền đạo hàng đầu góp mặt trong đội hình Tổng cục Đường sắt – đại biểu bóng đá miền Bắc đầu tiên vào Nam thi đấu giao lưu hồi năm 1976, một trận đấu lịch sử mang ý nghĩa “Bắc – Nam sum họp” với đội Cảng Sài Gòn (gồm toàn các danh thủ lừng lẫy trước năm 1975). Ông tiếp tục cùng các danh thủ khác của Tổng cục Đường sắt như Lê Thụy Hải, Hoàng Gia, Lê Khắc Chính… giành chức vô địch quốc gia ngay trong lần đầu tiên được tổ chức (mùa giải 1980 – 1981).
Sau khi giải nghệ vào năm 1984, ông tiếp tục gắn bó với Tổng cục Đường sắt trong vai trò HLV cho tới khi đội bóng bị giải thể (năm 1999). Nhưng điều đặc biệt nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông chính là sự thành công cả khi làm bóng đá nam lẫn bóng đá nữ – điều mà không ai trong giới HLV bóng đá Việt Nam làm được.
Trước SEA Games 19 năm 1997 tại Indonesia, trong lúc đang làm bóng đá nam thì ông bất ngờ được “biệt phái” sang dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ quốc gia. Giới bóng đá khi ấy ai cũng ngạc nhiên, bởi không rõ nguyên do ẩn đằng sau. Số là đội tuyển nữ trong giai đoạn mới thành lập ấy chỉ là sự “lắp ghép” 2 đội bóng Hà Nội và quận 1 TPHCM. Để HLV của đội nào dẫn dắt đội tuyển cũng dễ gây tranh cãi, bất hòa nội bộ. Thế là HLV Mai Đức Chung được “chọn mặt gửi vàng”, bởi ông không chỉ vừa có chuyên môn tốt, lại vừa có cá tính mềm mỏng, phong cách giản dị, nhẹ nhàng, dễ làm việc với các nữ cầu thủ hơn hẳn so với các đồng nghiệp khác. Giải ấy, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ giành HCĐ, nhưng cũng đủ trở thành một “cú hích” để cổ vũ phong trào, làm nền tảng cho sự ra đời của giải bóng đá nữ vô địch quốc gia lần đầu tiên 1 năm sau đó (1998).
Cái duyên với bóng đá nữ đến với ông bất ngờ như thế, rồi trở lại cũng rất bất ngờ khi ông lần thứ 2 được mời để chuẩn bị cho chiến dịch SEA Games 22 năm 2003, thay thế cho chuyên gia Giả Quảng Thác (Trung Quốc). Đội tuyển đã xuất sắc bảo vệ được tấm HCV, khi lần đầu Đại hội thể thao Đông Nam Á diễn ra trên sân nhà. Rồi tới SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines, một lần nữa ông cùng các học trò giành ngôi vị cao nhất, cũng là lần thứ 3 liên tiếp bóng đá nữ làm vợi đi “nỗi buồn bóng đá nam”…
Cứ như thế, ông trở thành vị HLV đặc biệt nhất của bóng đá Việt Nam khi vừa có thể làm việc ở cả các CLB hoặc đội tuyển nam, vừa sẵn sàng dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ tại các đấu trường quốc tế. Người hâm mộ còn chưa quên chiến tích dẫn dắt CLB Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup và giành chức á quân V-League năm 2009.
Rồi tới 2015, sau khi đội Bình Dương vô địch V-League, ông trở thành người thứ 3 từng vô địch quốc gia cả khi làm cầu thủ lẫn vai trò HLV trưởng (sau các HLV Lê Thuỵ Hải và Lê Huỳnh Đức). Không những thế, ông cũng từng dẫn dắt đội tuyển U.22 nam giành Cúp Merdeka 2008, tham gia ban huấn luyện đội tuyển quốc gia và từng dẫn dắt đội tuyển đá trận tranh hạng 3 SEA Games năm 2007 khi HLV trưởng Alfred Riedl từ nhiệm. Năm 2017, ông lần thứ 2 là HLV trưởng tạm quyền của đội tuyển bóng đá nam quốc gia dự vòng loại World Cup (trước khi chiếc “ghế nóng” này được giao phó cho HLV Park Hang-seo)…
Sáu lần giành HCV trên cương vị HLV trưởng (trong tổng số 8 lần vô địch SEA Games của đội tuyển bóng đá nữ) – một thành tích đặc biệt xuất sắc. Nhưng đỉnh cao nhất trong sự nghiệp lừng lẫy ấy vẫn là chiến tích giành tấm vé tham dự World Cup 2023, giải đấu đã đưa tên tuổi của ông vào lịch sử của FIFA World Cup với kỷ lục HLV nhiều tuổi nhất dẫn dắt một đội tuyển bóng đá (cả nam lẫn nữ) tại VCK World Cup!
2. Tôi còn nhớ hồi năm 2017, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng phân vân nên mời 1 HLV ngoại tên tuổi hay tiếp tục mời HLV Mai Đức Chung sau khi FIFA công bố World Cup 2023 sẽ tăng số đội tham dự từ 24 lên 32 (song song với đó là việc CHDCND Triều Tiên bị “cấm vận” tại các giải quốc tế trong một thời gian). Rồi cuối cùng, VFF đã đặt niềm tin vào ông với sứ mệnh mới: biến “giấc mơ World Cup” thành hiện thực. Cần mẫn, cầu thị, kiên nhẫn và rất tỉ mỉ trong công việc, cuối cùng ông và các học trò cũng đã thành công…
Hơn ai hết, HLV Mai Đức Chung hiểu rõ những khó khăn, thử thách đối với bóng đá nữ nước nhà. Và khi gánh nặng tuổi tác ngày càng nhiều hơn, thầy Chung từng muốn dừng lại ngay từ sau SEA Games 31 hồi năm ngoái – tức hơn 1 năm trước thời điểm diễn ra World Cup 2023. Nhưng bởi sự động viên của lãnh đạo VFF cũng như các học trò, ông nhận lời tiếp tục trong chiến dịch lịch sử tại đấu trường đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới vừa qua.
Sự nghiệp lẫy lừng là thế, thành tích vang dội là thế, được các thế hệ học trò cũng như người hâm mộ kính trọng, yêu mến là thế, nhưng ông còn được biết đến bởi đức tính giản dị, khiêm tốn. HLV Mai Đức Chung cũng luôn biết cách thu phục nhân tâm bằng lối hành xử thẳng thắn nhưng cũng rất nhẹ nhàng, đậm chất chuyên môn.
Ở tuổi 74, ông cũng cần được thật sự nghỉ ngơi, “vui thú điền viên” theo đúng nghĩa rồi. Mái ấm gia đình – nơi có người vợ tần tảo bao năm, âm thầm đứng sau sự nghiệp lừng lẫy của ông – vẫn luôn chờ vị danh tướng của bóng đá Việt trở về.
“Danh thủ tự cổ như danh tướng…”. Vừa là “danh thủ”, lại vừa là “danh tướng”, toàn tâm với công việc để rồi thành công ở cả bóng đá nữ lẫn bóng đá nam một cách toàn tài như ông, không biết bao giờ mới có người thứ 2. Xin được cảm ơn và xin chúc vị tướng huyền thoại của bóng đá Việt Nam nhiều sức khỏe, tràn đầy niềm vui trong cuộc sống!