(Dân trí) – Từ năm 2025, hàng loạt trường đại học bỏ hẳn hoặc giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm học bạ THPT – phương thức từng là “con cưng” trong tuyển sinh.
Học bạ từng là “con cưng”
Trừ một vài trường như Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Y dược TPHCM… “nói không” ngay từ đầu với học bạ THPT thì hầu hết các trường đại học đều đang hoặc đã sử dụng học bạ để xét tuyển đầu vào.
Những năm trước, phương thức xét tuyển học bạ được sử dụng phổ biến tại nhiều trường với tỷ lệ 10-30% trong tổng chỉ tiêu, đặc biệt, có trường chiếm đến 50-60%.
Năm 2023, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, xét kết quả học tập THPT chiếm đến 30,24% trong tổng số các phương thức xét tuyển đại học. Đây là phương thức xét tuyển đứng thứ 2, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với 49,45%.
Đến nay, nhiều trường đại học top đầu vẫn đang sử dụng học bạ trong xét tuyển như Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM…
Không thể phủ nhận, phương thức này có nhiều lợi thế như giúp giảm áp lực thi cử, thí sinh có thể chủ động chọn những môn học có kết quả tốt nhất để đăng ký xét tuyển, giúp tỷ lệ trúng tuyển cao hơn, không bị phụ thuộc vào một kỳ thi. Các trường cũng chủ động và linh hoạt hơn trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, sau một thời gian được sử dụng trong tuyển sinh, học bạ THPT đang dần bị nhiều trường “quay lưng”. Đặc biệt mùa tuyển sinh năm 2025, hàng loạt trường đại học bỏ hoàn toàn phương thức xét học bạ trong xét tuyển đại học hoặc giảm mạnh chỉ tiêu với phương thức này.
Năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức bỏ xét tuyển bằng học bạ trong tuyển sinh. Các năm trước đó, ở phương thức xét tuyển kết hợp của trường, trường xét điểm học bạ trung bình của 6 học kỳ (3 năm lớp 10, 11,12) đạt từ 8.0 điểm trở lên.
Xét tuyển bằng học bạ là phương thức có điểm chuẩn cao nhất tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM nhiều năm qua nhưng từ năm 2025, trường chính thức loại hẳn học bạ ra khỏi xét tuyển ở tất cả các phương thức.
Trước đó, trường này sử dụng học bạ làm phương thức xét tuyển độc lập (chiếm 10% chỉ tiêu) và cả trong phương thức kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30-50% chỉ tiêu).
Mới đây, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng tuyên bố bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ độc lập. Thí sinh xét học bạ vào trường phải kết hợp điểm thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy, chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi…
Vì sao trường đại học “chê” điểm học bạ?
Đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ những năm qua đã có sự chênh lệch đáng kinh ngạc.
Bất thường thể hiện rõ nhất ở năm 2022, ở tất cả các môn, dù mức độ khác nhau nhưng điểm thi đều thấp hơn so với điểm học bạ. Ở một số môn, địa phương dẫn đầu về điểm học bạ lại gần “đội sổ” ở điểm thi hoặc ngược lại.
Theo kết quả đối sánh của Bộ GD&ĐT, năm 2023, 60% thí sinh trúng tuyển đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ở tổ hợp 3 môn thấp hơn 3 điểm so với những em đỗ bằng xét điểm thi.
Tại hội nghị tuyển sinh tổ chức tại TPHCM đầu năm nay, chính PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo các trường nên đặt thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho phương thức xét tuyển học bạ để đảm bảo sự công bằng cho 2 nhóm thí sinh.
Bên cạnh hai phương thức xét tuyển đại học phổ biến là điểm tốt nghiệp THPT và điểm học bạ, những năm qua, hàng loạt trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực cũng như các phương án tuyển sinh riêng.
Nhiều trường đại học kết hợp để cùng công nhận kết quả đánh giá của nhau ngày càng phổ biến thay cho việc xét tuyển bằng học bạ vốn có nhiều lo ngại về “làm đẹp” điểm số.
Ông Phạm Thái Sơn, Trường Đại học Công thương TPHCM cho hay nhiều trường đại học công lập “quay lưng” với xét học bạ là do điểm học bạ giữa các trường THPT có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chính xác năng lực thí sinh. Sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển có thể gây ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh.
Bên cạnh đó, các trường muốn giảm thiểu gian lận khi việc sử dụng học bạ xét tuyển có thể dẫn đến tình trạng “làm đẹp” điểm số, ảnh hưởng tính minh bạch trong tuyển sinh.
Trước lo ngại này, nhiều trường chuyển sang các phương thức xét tuyển khác như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc kết hợp nhiều tiêu chí để đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh.
Lãnh đạo một trường đại học ở TPHCM chia sẻ, chất lượng đầu vào của thí sinh chính là lời “cảnh tỉnh” với các trường đại học khi xét tuyển bằng học bạ.
Tình trạng học sinh không theo nổi chương trình ở đại học, phải dừng học ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo và nguồn thu của các trường. Điều này đòi hỏi các trường chủ động các phương thức tuyển sinh chất lượng và phù hợp hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/xet-tuyen-dai-hoc-bang-hoc-ba-con-cung-bi-quay-lung-20241218095557150.htm