Nhiều năm qua, các loại hình nghệ thuật di sản của cả nước luôn trong tình trạng báo động không có người kế thừa. Theo Nghệ nhân Nhân dân Thanh Tuyết (TP HCM), trong lĩnh vực nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ chẳng hạn, việc tìm ra hậu bối xứng đáng để truyền nghề là vấn đề nan giải. “Nhiều em chỉ dừng lại ở mức độ biết chơi đờn ca theo đúng nghĩa tài tử, chứ không có ý định học chuyên sâu hơn” – bà nêu thực trạng.
Các nghệ nhân thuộc CLB Đờn ca tài tử – dân ca Bình Quới (TP HCM) biểu diễn trong chương trình “Nghệ sĩ và sàn diễn” do HTV tổ chức. (Ảnh: THANH HIỆP)
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ (TP HCM) cho rằng nhiều người dù giỏi thực hành, biểu diễn nhưng lại thiếu phương pháp sư phạm để truyền dạy nên việc không có học trò là chuyện dễ hiểu. Ông đánh giá quy định nêu trên còn một số bất cập, như: chưa cụ thể số người đào tạo là bao nhiêu; xét tặng danh hiệu dựa theo sự chứng nhận thế nào – vì đã gọi là truyền nghề thì khó mà có bằng cấp, cơ quan nào chứng nhận… Những việc này rất dễ gây tranh cãi không đáng có.
Ngoài ra, nghệ nhân còn phải làm “Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu”. Kèm theo đó là tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Băng đĩa, hình ảnh, giấy tờ liên quan huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen… Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền nhận định những yêu cầu này gây khó khăn cho các nghệ nhân lớn tuổi, nhất là với một số nghệ nhân người dân tộc thiểu số vốn chưa biết chữ.
Nhiều nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể đang hoạt động tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung tỏ ra băn khoăn với các quy định có phần cứng nhắc nêu trên. Họ cho rằng cần sớm sửa đổi những quy định này, sao cho phù hợp với thực tế.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/xet-tang-danh-hieu-nghe-nhan-dung-cung-nhac-20230831201416772.htm