Chiều 24-9, tại hội thảo góp ý dự án Luật Nhà giáo do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét tính khoa học, chặt chẽ của dự án Luật Nhà giáo để đảm bảo hiệu quả khi triển khai trong thực tế.
Theo Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng, dự án Luật Nhà giáo sau nhiều lần góp ý, sửa chữa đến nay có 9 chương, 71 điều. Tới đây, dự án Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Nhằm hoàn thiện dự án luật, các địa phương tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Tại buổi làm việc, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, hiện nay chất lượng giảng dạy giữa các cơ sở giáo dục chưa đồng đều, áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn.
“Nhà giáo là người trực tiếp sử dụng các chính sách và chương trình giáo dục, tham gia vào việc xây dựng, phát triển chương trình giáo dục thông qua các hoạt động chuyên môn. Do đó, Luật Nhà giáo phải thể hiện được vai trò quan trọng của nhà giáo trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như vị trí của đội ngũ này trong xã hội để được tôn vinh và đáp ứng quyền lợi”, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nêu ý kiến.
Theo đó, các chính sách liên quan đến giáo dục không thể phát triển cô lập mà phải có sự nhất quán, gắn bó chặt chẽ giữa các cấp học, bậc học, được cam kết thực hiện đồng bộ trong xã hội. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần được đề cập rõ hơn để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, tránh nêu chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm, thiết lập cơ chế giám sát đối với việc thực hiện Luật Nhà giáo.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM thông tin, hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới không có luật riêng về nhà giáo mà quy định ở luật giáo dục và các luật chuyên ngành có liên quan.
Do đó, cần thuyết minh rõ về tính khoa học, tính pháp lý và nhu cầu thực tiễn của việc ban hành Luật Nhà giáo, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo giữa dự thảo Luật Nhà giáo với các luật hiện hành, trong đó có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
“Luật cần quy định cho phép ngành giáo dục được tự chủ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng giáo viên, đồng thời cần có chính sách để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên ở các môn học khó tuyển dụng”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy đề xuất.
Với góc độ nghiên cứu luật, Luật sư Lê Thị Hằng, Chủ tịch Hội Luật gia quận 4 đặt câu hỏi: “Việc ban hành Luật Nhà giáo có giúp nhà giáo được xã hội tôn vinh đúng với vị trí, vai trò trung tâm trong nền giáo dục, giúp các thầy cô sống được bằng lương hay chỉ gom tất cả những gì liên quan đến nhà giáo vào một luật mới?
Trong trường hợp phải xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo thì chỉ đưa vào những nội dung có tính chất đặc thù và những nội dung chưa được các luật khác điều chỉnh để tránh sự trùng lặp, chồng chéo hoặc lệch pha, không đồng bộ”, Luật sư Lê Thị Hằng cho biết.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đề xuất bổ sung thêm quy định cho phép địa phương chủ động triển khai chính sách thu hút đối với giáo viên ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) để tăng thêm nguồn lực giáo viên, góp phần thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất thêm chính sách ưu tiên đối với việc tuyển dụng, thuyên chuyển công tác đối với giáo viên; chế độ đãi ngộ cho cán bộ quản lý ở phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT…
THU TÂM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/xem-xet-tinh-khoa-hoc-chat-che-cua-du-an-luat-nha-giao-post760473.html