Xem xét thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị

Báo Đô thịBáo Đô thị10/02/2025

Kinhtedothi- Sáng 10/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể mở rộng về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.


Đây là nghị quyết quan trọng nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất. Đồng thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho 2 Thành phố hiện thực hóa các Nghị quyết, Kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có đầy đủ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Đây là vấn đề rất cần thiết và cấp bách, nhằm giải quyết điểm nghẽn về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, đào tạo nguồn nhân lực để triển khai đầu tư hệ thống đường sắt đô thị; khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất.

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội còn nhằm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai thành phố trong việc triển khai đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và yêu cầu phát triển, phát huy tính chủ động, tích cực của hai thành phố, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, gồm: Huy động nguồn vốn; Trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; Phát triển đô thị theo mô hình TOD; Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; Chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Các quy định áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh.

Trong đó, đối với nhóm chính sách về huy động vốn quy định: Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định việc cân đối, bố trí kế hoạch hằng năm số vốn ngân sách trung ương bổ sung tối đa 215.350 nghìn tỷ đồng cho TP Hà Nội và 209.500 nghìn tỷ đồng cho TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, cho phép huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án; HĐND TP có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn; UBND TP được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ cho dự án.

Đối với nhóm chính sách về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, cũng đề xuất Dự án đường sắt đô thị không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời được chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp, đa số các đại biểu ủng hộ và cho rằng, cần thiết áp dụng các chính sách đặc thù trong nghị quyết của Quốc hội cho việc đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị, bởi đây là trục “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng của 2 thành phố. Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ ưu, nhược điểm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD.

Có ý kiến đề nghị, cần khuyến khích đấu thầu thay vì áp dụng chính sách chỉ định thầu để phù hợp với tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần đánh giá việc ưu tiên việc phân bổ nguồn lực gồm: Ngân sách Trung ương, tăng thu tiết kiệm chi, nguồn vốn ODA,…để các quy định không trùng nhau. Đồng thời, đề nghị không quy định cứng về tài chính, nguồn tiền mà chỉ quy định các nguồn lực ưu tiên.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, bảo đảm việc phát triển mạng lưới hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tính kết nối liên thông nhằm phát huy hiệu quả đầu tư các dự án; có cơ chế, chính sách hỗ trợ bồi thường tái định cư, phát triển bộ máy tổ chức triển khai thực hiện… nhằm bảo đảm dự án không đội vốn, kéo dài thời gian thực hiện...

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Hội đồng Thẩm tra, tiếp thu thêm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này nhằm hoàn thiện Báo cáo thẩm tra chính thức trước khi báo cáo Quốc hội.

Dự kiến, sau khi Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết, Chính phủ và HĐND hai thành phố sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn theo thẩm quyền.



Nguồn: https://kinhtedothi.vn/xem-xet-thi-diem-mot-so-co-che-dac-thu-phat-trien-mang-luoi-duong-sat-do-thi.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available