Ngày 19-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã nắm được thông tin và có chỉ đạo đối với Trường đại học Thủ Dầu Một (trường công lập thuộc UBND tỉnh) liên quan vụ “thu sai học phí 37 tỉ đồng nhưng không trả sinh viên”.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, việc xem xét sẽ cẩn trọng do liên quan đến ngân sách và kết luận kiểm toán, tuy nhiên sẽ theo hướng là đảm bảo quyền lợi chính đáng của sinh viên.
Sau khi báo chí phản ánh và có chỉ đạo của cơ quan chức năng, Trường đại học Thủ Dầu Một đang xem xét về phương án hoàn trả học phí thu vượt mức cho sinh viên, học viên. Tuy nhiên, việc này sẽ chờ nghị quyết chính thức của hội đồng trường.
Trường đại học Thủ Dầu Một cho biết thêm, khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước vào cuối năm 2022 yêu cầu trường thực hiện kết luận đảm bảo tiến độ trước ngày 31-3-2023, nên trường đã nộp số tiền 37 tỉ đồng vào ngân sách.
Việc hoàn trả học phí thu vượt mức cho sinh viên vào thời điểm trên được nhà trường cho là “khó khả thi” và “không kịp tiến độ theo thời gian theo kết luận kiểm toán”.
Ngoài ra, còn có các lý do khác như một số sinh viên đã tốt nghiệp, trường đào tạo đa ngành, mỗi chương trình đào tạo, mỗi môn học có tỉ lệ lý thuyết, thực hành khác nhau nên việc tính số tiền hoàn trả cho từng em là rất khó.
Nhưng tới nay việc hoàn trả học phí cho sinh viên, học viên sẽ được Trường đại học Thủ Dầu Một xem xét lại.
“Nhà trường thực hiện việc rà soát, xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, của cơ quan kiểm toán. Và xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện hài hòa, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của sinh viên” – một lãnh đạo Trường đại học Thủ Dầu Một cho biết.
Trường đại học Thủ Dầu Một là trường công lập lớn nhất tỉnh Bình Dương, quy mô khoảng 20.000 sinh viên, học viên. Mỗi khóa có khoảng 4.000 người.
Từ năm 2022, trường bắt đầu tự chủ tài chính chi thường xuyên. Doanh thu năm học 2022 – 2023 gần 400 tỉ đồng, phần lớn đến từ học phí.
Trường đại học Thủ Dầu Một “hiểu nhầm” về cách tính tín chỉ thực hành
Theo kết luận kiểm toán, số tiền 37 tỉ đồng là học phí thu vượt mức của hai năm học 2020 – 2021 và 2021 – 2022 đối với các tín chỉ thực hành. Thời điểm trên, tín chỉ thực hành được Trường đại học Thủ Dầu Một nhân hệ số 1,5 so với tín chỉ lý thuyết.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước kết luận thời điểm đó trường chưa tự chủ tài chính, ngân sách còn bù đắp học phí nên cách tính học phí với tín chỉ thực hành như vậy là chưa đúng.
Theo giải thích của Trường đại học Thủ Dầu Một, một tín chỉ lý thuyết tương đương 15 giờ dạy, trong khi một tín chỉ thực hành tương đương 30 giờ dạy. Tức chi phí giảng dạy và cơ sở vật chất dạy thực hành gấp 2 lần so với dạy lý thuyết.
Đối với tín chỉ thực hành thì tiêu hao vật tư thực hành, trong khi mức học phí theo nghị định 86 năm 2015 (áp dụng khi trường chưa tự chủ tài chính) chỉ quy định chung.
Nguồn: https://tuoitre.vn/xem-xet-hoan-tra-sinh-vien-37-ti-thu-sai-tai-truong-dai-hoc-thu-dau-mot-20241019094751396.htm