Từ chiều ngày Mùng 1 đến chiều mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các trai làng kéo về sân vận động xã Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) để “tỉ thí” trong hội đấu vật được tổ chức thường niên vào dịp Tết đến, xuân về (Ảnh: Hoàng Lam).
Hội vật không quy định về trang phục, lứa tuổi, cân nặng. Chỉ cần các đô vật cảm thấy có thể đấu với nhau là vào sân so tài (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo quy định, các đô vật khiến đối thủ ngã, lưng chạm đất sẽ giành chiến thắng. Mỗi đô vật nếu giành chiến thắng liên tiếp không được thi đấu quá 3 trận.
Đô vật Bùi Hữu Lâm (24 tuổi, mặc quần trắng) trong Tết năm ngoái giành chiến thắng tuyệt đối 3 trận. Trong hội đấu vật Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đô vật Lâm được đánh giá là đối thủ đáng gờm khi sở hữu sức mạnh cơ bắp, sức bền và chiến thuật thi đấu hợp lý (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo ông Bùi Hữu Nông – bố đô vật Lâm – gia đình có truyền thống và đam mê đặc biệt với môn vật cổ truyền của dân tộc. Hội vật năm nay, gia đình ông Nông có 3 vận động viên tham gia thi đấu.
Đô vật Bùi Hữu Lâm giành chiến thắng ở 2 trận đầu. Đến trận thứ 3, sau thời gian dài, hai đô vật thi đấu cân tài cân sức với những mảng miếng và chiến thuật khôn ngoan, ban tổ chức quyết định xử hòa trận đấu này (Ảnh: Hoàng Lam).
Các đô vật giằng co, sử dụng sức mạnh cơ bắp, sự dẻo dai, sức bền để chế ngự các đòn tấn công của đối thủ.
Ông Lê Văn Sơn – công chức văn hóa xã Nam Thanh – cho biết: “Hội vật phong trào xã Nam Thanh được tổ chức từ ngày Mùng 1 đến ngày Mùng 6 Tết Nguyên đán hàng năm.
Đây là nét đẹp truyền thống của xã, vừa tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, khuyến khích phong trào luyện tập, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong nhân dân, đặc biệt các thanh niên trong xã. Hội vật đầu Xuân cũng thu hút nhiều đô vật đến từ các xã có truyền thống về đấu vật như Nam Anh, Nam Xuân, thị trấn Nam Đàn… đến tham gia” (Ảnh: Hoàng Lam).
Một trận đấu phân tài cao thấp trong vòng 30 giây, khi một đô vật bế nổi đối thủ nhấc cao quá đầu gối trong tiếng reo hò, phấn khích của khán giả (Ảnh: Hoàng Lam).
Anh Trần Văn Việt (21 tuổi, trú thị trấn Nam Đàn) là bộ đội vừa xuất ngũ. Nghe về hội vật xã Nam Thanh khá lâu, năm nay anh Việt đến xem và mạnh dạn đăng ký thi đấu, tuy nhiên, chưa có kinh nghiệm và chưa được luyện tập nên thanh niên này không thể vượt qua được trận đấu đầu tiên. Mặc dù thua nhưng anh Việt không buồn và cho biết, sẽ luyện tập để tái thi đấu vào Tết năm sau.
Sau thời gian thi đấu giằng co quyết liệt, một đô vật bị xây xước ở phần tay trái do bị tì đè vào mặt sân, ban tổ chức quyết định xử hòa trận đấu. Hai đô vật vui vẻ bắt tay nhau sau trận đấu bất phân thắng bại (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo đô vật tên Hoàng (quê Nam Thanh), người tham gia đấu vật đầu năm không mang tâm lý thắng, thua mà mong muốn cống hiến cho khán giả xã nhà những trận đấu đẹp mắt trên tinh thần thượng võ. Đây cũng là dịp để các đô vật cọ xát, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho cuộc thi đấu vật thuộc khuôn khổ Lễ hội Vua Mai được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm của huyện Nam Đàn.
Niềm vui của một đô vật và khán giả đội nhà khi đô vật của làng mình giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ (Ảnh: Hoàng Lam).
Ở hội vật phong trào này, Ban tổ chức không có quy định về phần thưởng cho các đô vật giành chiến thắng. Các đô vật giành 3 trận thắng liên tiếp hoặc không để thua trận nào trong 3 trận liên tiếp sẽ được trao một chiếc áo kỷ niệm (Ảnh: Hoàng Lam).
Tuy nhiên, phấn khích trước những trận đấu mãn nhãn, quyết liệt, các khán giả sẵn sàng rút hầu bao thưởng nóng cho đô vật giành chiến thắng (Ảnh: Hoàng Lam).
Hội vật xã Nam Thanh thu hút đông đảo người dân địa phương, từ người già đến trẻ nhỏ tới xem và cổ vũ. Đây là một trong những hoạt động được mong chờ nhất của miền quê thuần nông này vào mỗi dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: Hoàng Lam).