Hà Nội một thời đường phố chỉ toàn xe đạp, sáng ra người người cầm tờ báo Đảng để cập nhật tin tức, thanh niên đi lao động công ích, xây dựng công viên Thống Nhất, trận địa phòng không dựng giữa phố ngay cạnh Nhà hát lớn…
Một đời sống Hà Nội đầy hoài niệm của thời chiến tranh chống Mỹ và bao cấp những năm 1960 – 1970 được kể lại đầy cảm xúc trong những bức ảnh giá trị của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải.
15 bức ảnh của lão nghệ sĩ 92 tuổi này đang được trưng bày cùng hơn 50 bức ảnh về Hà Nội khác của 17 đồng nghiệp nhiều thế hệ của ông trong triển lãm ảnh Hà Nội trong tôi tại bờ hồ Hoàn Kiếm (vị trí đối diện đền Vua Lê trên phố Lê Thái Tổ).
Triển lãm khai mạc ngày 28-9, sẽ kéo dài đến 29-10. Đây là hoạt động do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Chi hội Nhiếp ảnh – Báo chí (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội) tổ chức để chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản thủ đô.
Hà Nội thời cửa hàng lưu động
Ban tổ chức mong muốn chia sẻ những hình ảnh đẹp của Hà Nội qua những năm tháng từ thời kỳ chiến tranh, bao cấp tới đổi mới và hội nhập quốc tế, do các nhà báo chụp từ những năm 1960 tới nay.
Trong đó những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải làm nhiều người xem xúc động khi được thấy một Hà Nội của hơn nửa thế kỷ trước, nghèo và gian nan vì chiến tranh, nhưng cũng đầy những trìu mến, thân thương.
Ngày ấy, đường phố Hà Nội đầy xe đạp. Phương tiện di chuyển chính của người dân là xe đạp.
Trong bức ảnh Báo Đảng đến với bạn đọc mỗi ngày của Trịnh Hải, người ta thấy rất nhiều người đàn ông dắt xe đạp Liên Xô, Trung Quốc, đội mũ cối hay mũ vải tay cầm tờ báo Nhân Dân.
Bức ảnh Lao động xã hội chủ nghĩa xây dựng công viên Thống Nhấtcũng là hình ảnh một dãy xe đạp của những người đang nạo vét bùn đất xây dựng công viên.
Xem bức ảnh, công chúng không chỉ hiểu được lịch sử của công viên đặc biệt được xây dựng từ lao động công ích của người Hà Nội sau năm 1954 để gửi gắm ước mơ đất nước sớm thống nhất.
Người xem còn được hiểu về một thời rất nhiều công trình lớn của đất nước đều đã được xây dựng theo cách này.
Ở Hà Nội có công viên Thống Nhất, còn mấy tỉnh Đồng bằng sông Hồng có công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã in dấu hàng ngàn đôi bàn tay góp sức của thanh niên miền Bắc…
Một thời rất nhiều thứ lớn lao đã được xây dựng lên từ sức mạnh của tập thể như thế.
Và Hà Nội mùa đông năm 1972
Bức ảnh Trận địa phòng không không quân không chỉ cho người xem thấy được lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu của người dân thủ đô trong 12 ngày đêm trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972.
Trong bức ảnh ấy người ta còn thấy phía sau một Hà Nội can trường chiến đấu là một Hà Nội đẹp thơ mộng với Nhà hát lớn yêu kiều nằm giữa vùng cây xanh.
Năm 1972 ấy, Mỹ ném bom Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trịnh Hải ghi lại khoảnh khắc những nhà văn, nhà thơ lớn ở Hà Nội đã có mặt lập tức tại hiện trường, ngồi bên nhau trên đống gạch đổ nát.
Còn nhà báo Trần Hồng ghi lại hình ảnh xúc động cặp anh em sinh đôi Đức và Việt mất cả bố mẹ trong trận ném bom Khâm Thiên, đôi mắt trĩu buồn đang được cô giáo yêu thương dạy chữ.
Bức ảnh chụp nhóm người đang quây quần mua hàng trên quầy hàng lưu động trên phố Yết Kiêu trong một ngày mùa đông rét mướt của Trịnh Hải hẳn khiến bao người già bồi hồi nhớ một thời thiếu thốn đủ thứ vật chất nhưng tình nghĩa thì đong đầy.
Triển lãm còn mang đến rất nhiều bức ảnh thú vị khác về Hà Nội, như bức ảnh của nhà báo Hồng Hà chụp cận cảnh Tháp Rùa mà thường mọi người chỉ được ngắm từ xa. Trong bức ảnh ấy, người ta còn được thấy “cụ rùa” đang nổi gần tháp…
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/xem-lai-anh-quy-ha-noi-xua-lao-dong-cong-ich-dap-xe-va-doc-bao-giay-20240928163319237.htm#content-2