Ông Zhang Hua, một nhà nghiên cứu tại đại học Giao thông Thương Hải (Trung Quốc) đã dành ra 3 tháng để tham khảo hàng loạt mẫu xe điện trước khi quyết định chi 250.000 nhân dân tệ (36.340 USD) mua chiếc sedan P7 do hãng xe điện Xpeng sản xuất vào đầu tháng 3.
Điều khiến ông Zhang ấn tượng với mẫu xe này là hệ thống hỗ trợ người lái và các tính năng ra lệnh bằng giọng nói của nó.
“Tôi ưu tiên độ thông minh của chiếc xe, vì bây giờ là thời đại số hóa rồi. Cả tài xế và hành khách đều muốn chiếc xe có nhiều hoạt động giải trí và kết nối kỹ thuật số hơn”, ông Zhang cho biết.
“Xe điện thông minh do Trung Quốc sản xuất hiện là lựa chọn tốt cho người tiêu dùng trung lưu, bởi vì công nghệ và dịch vụ của chúng đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”, ông nói thêm.
Người đàn ông 40 tuổi không phải là người duy nhất có suy nghĩ này.
Hàng chục nghìn người mua xe Trung Quốc đã đổ xô đến các showroom của BYD, Nio, Xpeng, Li Auto và một số nhà sản xuất xe điện có trụ sở tại Trung Quốc, đẩy Tesla từ thương hiệu xe điện được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc xuống vị trí thứ 10, theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi JD Power và Đại học Đồng Tế, Thượng Hải vào tháng 12/2022.
Thiết kế dành riêng cho Trung Quốc
Các đối thủ cạnh tranh chính của Tesla tại Trung Quốc như Nio, Xpeng và Li Auto đã phát triển các mẫu xe chạy pin với phạm vi di chuyển dài hơn cả Tesla Model 3 và Model Y.
Các phiên bản cơ bản của Model 3 và Model Y do Tesla sản xuất tại Thượng Hải có thể đi được 556 và 545 km trong một lần sạc, thì các phiên bản cấp thấp của ET7 của Nio, P7 của Xpeng và L8 của Li Auto có phạm vi di chuyển lần lượt là 530, 480 và 1,315 km.
Ngoài ra, xe điện Trung Quốc còn được trang bị hệ thống thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (VR và AR) để mang đến cho hành khách là trải nghiệm nhập vai, điều mà xe Tesla không có.
Phần mềm tự lái và hệ thống định vị của Tesla, được CEO Musk quảng cáo là thế mạnh cạnh tranh, cũng bị khách hàng chỉ trích vì chậm cập nhật tình hình đường phố Trung Quốc.
Chang Yan, một blogger người Trung Quốc cho biết, chiếc Model 3 mua năm 2018 của ông vẫn chỉ dẫn cho ông quay đầu xe trên Đại lộ Trường An ở gần Quảng trường Thiên An Môn dù hành động này đã bị cấm.
“Đây là một sự tương phản rõ rệt với các mẫu xe của Nio, Xpeng hay Li Auto. Chỉ dẫn điều hướng của các mẫu xe này gần như hoàn hảo”, ông Chang cho biết. Ngoài Model 3, ông Chang còn sở hữu một chiếc sedan của Nio.
Khách hàng Trung Quốc Trung Quốc cũng ấn tượng với khả năng nhận dạng giọng nói của các mẫu xe trong nước.
Theo ông Jeff Cai, chuyên gia tư vấn hàng đầu tại JD Power China, 10 mẫu xe được ưa chuộng nhất Trung Quốc có thể hiểu ít nhất 87% mệnh lệnh bằng giọng nói của người tiêu dùng Trung Quốc.
Tesla cũng cung cấp công nghệ nhận dạng giọng nói cho người dùng Trung Quốc, nhưng hệ thống này không hoạt động tốt trong môi trường ồn ào, theo khảo sát của JD Power và Đại học Đồng Tế. Hơn nữa, Model 3 của Tesla không lọt vào top 10.
“Tesla đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng vì danh mục sản phẩm của hãng rất hạn chế. Sự chậm chạp trong việc đáp ứng sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc khiến Tesla rơi vào thế bị động. Giá cả không phải là yếu tố duy nhất thu hút khách hàng Trung Quốc”, ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc (CPCA) cho biết.
Ngay cả chính Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, cũng thừa nhận rằng Trung Quốc là nơi công ty của ông có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt nhất.
Vị thế khó lung lay
Mặc dù có thứ hạng thấp, nhưng Tesla vẫn tiếp tục dẫn đầu trong phân khúc xe điện cao cấp của Trung Quốc đại lục. Sau thành công vang dội trong 3 năm qua, Tesla vẫn tăng trưởng tốt ở đại lục, và công ty có thể sẽ thành công vực dậy nhu cầu tiêu dùng đang suy giảm.
Nhà máy lớn nhất của Tesla trên toàn thế giới ở Thượng Hải vẫn đang hoạt động hết công suất, trong khi Model 3 và Model Y được sản xuất tại đây vẫn là những chiếc xe điện cao cấp bán chạy nhất sau đợt giảm giá mạnh gần đây.
Xe điện Tesla được các tài xế Trung Quốc coi là xe điện thông minh. Những chiếc Model 3 được sản xuất ở Thượng Hải được tung ra thị trường đại lục vào tháng 1/2020 đã nhận được cơn mưa lời khen từ các tài xế nước này, ngay cả khi Covid-19 tàn phá nền kinh tế và ảnh hưởng đến sức mua của người Trung Quốc.
Model 3 là mẫu xe điện bán chạy nhất ở đại lục cho đến khi nó bị một mẫu xe điện mini do SAIC-GM-Wuling lắp ráp soán ngôi vào tháng 9/2020.
Mặc dù vậy, xe Tesla vẫn rất phổ biến ở thị trường này. Năm 2022, hãng đã giao hơn 710.000 chiếc Model 3 và Model Y cho khách hàng ở đại lục, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, Li Auto có trụ sở tại Bắc Kinh chỉ bàn giao được 133.246 chiếc cho khách hàng vào năm 2022, dù tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm 2021.
“Khảo sát khách hàng toàn cầu của chúng tôi chỉ ra rằng người mua ô tô Trung Quốc đánh giá cao và sẵn sàng chi tiền cho các công nghệ mới tiên tiến như lái xe tự động hay buồng lái thông minh”, ông Stephen Dyer, người đứng đầu hoạt động nghiên cứu ô tô châu Á tại công ty tư vấn toàn cầu AlixPartners cho biết.
“Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã có một khởi đầu thuận lợi với những công nghệ này. Tuy nhiên, các đối thủ của họ tại Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp, thậm chí còn vượt qua họ”.
Xe Tesla được gọi là xe ngoại ở Trung Quốc, vì chúng không được thiết kế dành riêng cho tài xế và hành khách ở đại lục.
“Các mẫu xe nước ngoài không được thiết kế cho tài xế và hành khách Trung Quốc. Chúng cũng không đủ hiện đại để các “đại gia” Trung Quốc lựa chọn”, ông Eric Han, quản lý cấp cao của Suolei, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, cho biết.
“Tuy nhiên, ô tô vẫn được coi là sản phẩm chất lượng cao và đáng đồng tiền bát gạo ở Trung Quốc, vì thương hiệu của Tesla đã quá nổi tiếng rồi”, ông Han nói thêm.
Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Reuters)