Trên một cánh đồng lầy lội, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov khom người nhìn vào bên trong chiếc Challenger 2 của Anh, 1 trong 3 xe tăng đầu tiên mà London chuyển cho Kiev trong tổng số 14 chiếc cam kết viện trợ.
Không chỉ có xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger đã đến Ukraine. Trong những tuần gần đây, một số nước phương Tây khác cũng bắt đầu bàn giao xe tăng hiện đại cho Ukraine. Xe tăng Leopard 2 của Đức và xe chiến đấu bộ binh Marder, Strykers và Cougars của Mỹ đều đã được chuyển đến Ukraine, và còn nhiều vũ khí khác đang trên đường tới.
Loạt thiết giáp bất ngờ đổ về, cũng như chương trình đào tạo cấp tốc cho binh sĩ Ukraine để vận hành các phương tiện ở Anh và nơi khác, mang lại cho giới chức Ukraine niềm tin và kỳ vọng rằng họ có thể sớm triển khai cuộc phản công mùa xuân dự kiến.
Trong suốt mùa đông vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodmyr Zelensky vẫn nhấn mạnh việc cần 300 xe tăng chiến đấu chủ lực cũng như máy bay chiến đấu hiện đại và các phương tiện khác. Tuy nhiên, số lượng phương tiện chiến đấu được chuyển tới Ukraine cho đến nay lại khiêm tốn hơn nhiều, và điều này đang dấy lên suy đoán về cách Kiev nên sử dụng chúng trong những tuần và tháng tới của cuộc xung đột.
Có rất ít kỳ vọng rằng, Ukraine sẽ có đủ nguồn lực để thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn với các phương tiện bọc thép.
Thay vào đó, các nhà phân tích, bao gồm cả các cựu chỉ huy xe tăng của Anh, dự đoán Kiev sẽ thực hiện một cuộc phản công, hoặc các đợt phản công, tương tự như những gì họ làm hồi cuối mùa hè và mùa thu năm ngoái. Khi đó, Ukraine đã phản công và giành lại được quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ xung quanh tỉnh Kharkov và khu vực phía nam, tạo tiền đề giúp họ kiểm soát lại được Kherson.
Theo các nhà phân tích, khả năng cao nhất là Ukraine sẽ chọn miền nam là nơi thực hiện một cuộc phản công mùa xuân.
Cuộc phản công tập trung với sự hỗ trợ của thiết giáp
Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy xe tăng của quân đội Anh, chỉ ra rằng khía cạnh quan trọng nhất của việc tập trung thiết giáp phương Tây tại Ukraine là khía cạnh tâm lý.
“Về mặt tâm lý, nó là thông tin cực kỳ tích cực đối với người Ukraine. Nếu chỉ nói về những con số, thì nhìn bề ngoài, việc có 50 đến 60 xe tăng hiện đại của phương Tây ở Ukraine chưa chắc đã có thể thay đổi cục diện. Trước đây, tôi nhận định họ sẽ cần tối thiểu 100 phương tiện thiết giáp để tạo nên một đòn giáng lớn, thậm chí Ukraine tuyên bố cần tới 300 phương tiện như vậy”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Bretton-Gordon tin rằng, loại xe tăng mới sở hữu những khả năng vượt trội cùng với các chiến thuật hiệu quả hơn của Ukraine có thể sẽ tạo ra sự khác biệt.
“Những chiếc xe tăng này là sự bổ sung cho kho xe tăng T-72 mà Ukraine đã có, và chúng được đem đến cho một quân đội đã được huấn luyện kỹ càng về tác chiến cơ động”, ông nói.
Cụ thể, ông Bretton-Gordon cho biết, xe tăng Leopard có khả năng đứng vững và bắn ở tầm xa hơn, với lớp giáp vượt trội so với nhiều loại xe tăng đang được Moscow trang bị. Chúng cũng có khả năng hoạt động xuyên quốc gia tốt hơn so với xe tăng Nga có khả năng dọn đường kém hơn và chỉ chiến đấu hiệu quả vào ban đêm.
Mặc dù vậy, với số lượng hạn chế hiện nay, câu hỏi đặt ra là xe tăng Leopard sẽ được Ukraine sử dụng vào mục đích gì.
Ông Bretton-Gordon nói: “Thiết giáp hoạt động tốt nhất trong một pha xung kích nhằm phá vỡ phòng tuyến của đối phương. Họ sẽ muốn tập trung hỏa lực hơn là phân tán nó”. Theo ông, đó là cách thiết giáp của phương Tây nên được sử dụng, cùng với sự hậu thuẫn của đội hình thiết giáp Ukraine theo sau.
“Tôi nghĩ họ muốn tạo ra một khoảng cách ngày càng lớn và đánh lạc hướng lực lượng Nga bằng cách tạo ra một tuyến đường dài vài trăm km qua khu vực phía nam và phía đông của Zaporizhia”, ông cho hay.
Stuart Crawford, người từng là sĩ quan trong Trung đoàn xe tăng số 4 của quân đội Anh, cũng tin rằng tuy số lượng xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của phương Tây đến Ukraine chưa đủ để tạo ra sự khác biệt đáng kể, nhưng chúng có thể hữu ích trong một cuộc phản công quy mô nhỏ hơn. Ông Crawford dự đoán Ukraine sẽ phản công ở khu vực phía nam.
Theo ông, cuộc phản công này sẽ diễn ra tập trung hơn, không dàn trải trên phạm vi rộng. Nó sẽ là một cuộc tấn công về phía nam từ Zaporizhia hướng tới Melitopol.
Ông Crawford hoài nghi về việc có quá nhiều hệ thống vũ khí khác nhau đến từ nhiều nguồn khác nhau sẽ gây ra các vấn đề về bảo trì và hậu cần. “Nếu bạn nhìn vào kinh nghiệm của quân đồng minh ở cuộc đổ bộ Normandy vào năm 1944, họ có rất nhiều thiết bị từ các nguồn khác nhau và vẫn quản lý được”, ông lập luận.
Tuy nhiên, lỗ hổng mà ông Crawford nhìn thấy là khả năng thiếu hỗ trợ trên không. Không bên nào đạt được ưu thế trên không tổng thể, và đó là lý do tại sao Ukraine đề nghị Mỹ viện trợ máy bay chiến đấu F-16. Nếu không chiếm được ưu thế trên không, lực lượng mặt đất không thể di chuyển dễ dàng.
Cũng như xe tăng, ông Crawford nhận thấy sự xuất hiện của các xe bọc thép chở quân Strykers cũng rất hữu ích trên một chiến trường mà pháo binh chiếm ưu thế.