Báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” mới được Q&M công bố cho thấy Grab vẫn là hãng xe dẫn đầu, chiếm tỷ lệ 42% người Việt lựa chọn khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy. Thế nhưng, đầy bất ngờ khi 2 ứng dụng của VN là Be và Xanh SM đã xuất sắc vươn lên chia nhau 2 vị trí còn lại trong top 3, “đánh bật” Gojek – ứng dụng gọi xe từng là đối trọng mạnh nhất với Grab và duy trì vị trí á quân trên thị trường cách đây 2 – 3 năm. Trong đó, Be đã vươn lên vị trí thứ 2 với tỉ lệ 32% và Xanh SM đạt 19% điểm chọn, đứng ở vị trí thứ 3. Đáng chú ý, không chỉ bị đẩy xuống hạng 4, tỉ lệ của Gojek cũng còn cách khá xa Xanh SM khi chỉ có tỷ lệ 7% người dùng thường xuyên sử dụng.
Trước đó, khi mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3.2018, Grab gần như “một mình một chợ” trên thị trường VN. Thực tế, một số doanh nghiệp (DN) Việt cũng đã chớp thời cơ gia nhập đường đua. Nổi bật là Vato – tiền thân là dịch vụ gọi xe với tên gọi ViVu, sau đó được Công ty CP xe khách Phương Trang mua lại. Phương Trang tuyên bố đầu tư 100 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỉ đồng, để phát triển Vato. Nhưng kể từ đó ứng dụng này hoạt động khá im ắng và ì ạch đến nửa cuối 2019 mới có động thái trở lại khi ra mắt cùng lúc dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng, giao vé xe. Sau đó, FastGo – thành lập từ nguồn vốn của các cổ đông sáng lập trong nước, mà chủ yếu là từ ông Nguyễn Hòa Bình (sáng lập Tập đoàn Nexttech) – cũng mang đến nhiều kỳ vọng khi vừa ra mắt đã được quỹ đầu tư mạo hiểm của VinaCapital rót khoản vốn triệu USD. Song đến giờ cái tên này cũng chẳng còn được mấy người nhắc tới. Tương tự, Go-Ixe, Aber… ra mắt rầm rộ, nhận được nhiều ủng hộ của người tiêu dùng khi đánh vào tâm lý người Việt ủng hộ hàng Việt, nhưng cuối cùng cũng phải im hơi lặng tiếng.
Phải đến khi Gojek (khi mới vào VN có tên GoViet) “chào sân”, tình thế mới có chút xoay chuyển. Được hậu thuẫn từ công ty mẹ – “kỳ lân” công nghệ của Indonesia, Gojek nhanh chóng lao vào cuộc đua “đốt tiền” với dồn dập khuyến mãi cho cả tài xế và người dùng, tuyên bố chiếm đến 35% thị phần chỉ trong 6 tuần ra mắt dịch vụ gọi xe 2 bánh. Giai đoạn diễn ra cuộc so găng nảy lửa giữa Grab – Gojek cũng là lúc ông Trần Thanh Hải, thành viên sáng lập của “kỳ lân” VNG, tuyên bố khai sinh ứng dụng gọi xe Be. Không mở rộng nhiều dịch vụ, Be chỉ tập trung vào dịch vụ duy nhất là gọi xe. 9 tháng sau khi ra mắt, “đội quân ong vàng” nhanh chóng phủ khắp mọi nẻo đường, không ít lần xuất hiện trên các trang báo nước ngoài và được nhận định là start-up lớn nhanh nhất châu Á. Đồng thời, Be tuyên bố chiếm lĩnh khoảng 30% thị trường…
Tuy vậy, các khảo sát của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới công bố từ 2021 – 2022 dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe 2 bánh tại VN cho thấy Grab chiếm khoảng 50 – 60% thị phần, Gojek đứng vị trí thứ 2 với khoảng 20%, Be chiếm khoảng 18%. Đối với ô tô, thị phần của Grab áp đảo với 66%, Be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác. Dù rất nỗ lực nhưng thị trường ứng dụng gọi xe VN đã trở thành cuộc chơi của các ông lớn ngoại.
Thế nhưng “thế trận” đã hoàn toàn thay đổi khi Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chính thức gia nhập đường đua. Theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, chỉ sau 7 tháng ra mắt, Xanh SM đã vươn lên đứng thứ 2 thị trường dịch vụ gọi xe tại VN, chỉ sau Grab, chiếm 18,17% thị phần vào quý 3/2023. Mordor Intelligence cũng ghi nhận Xanh SM đang sở hữu số lượng xe và số lượng chuyến xe mỗi ngày mỗi cao trong lĩnh vực taxi truyền thống, so với các đơn vị sở hữu đội xe tự doanh. Cùng với Xanh SM, “đội quân ong vàng” Be Group cũng đã vươn lên vị trí thứ 3 với 9,21% thị phần. Cùng tăng tốc, 2 ứng dụng gọi xe của VN đã chính thức đẩy “kỳ lân” công nghệ Gojek của Indonesia xuống vị trí thứ 4 (5,87%).
Thừa thắng xông lên, mới đây, Xanh SM tiếp tục gây hiệu ứng mạnh mẽ khi tung ra chương trình “Mùa hè xanh vì tương lai xanh” giúp khách hàng gọi xe Xanh SM với giá hợp lý. Theo đó, hãng gọi xe điện sẽ áp dụng đơn giá cước thấp hơn tới 15% trong 3 tháng hè (từ 1.6 – 31.8), đồng thời vẫn áp dụng các ưu đãi hiện hành, giúp khách hàng được di chuyển với giá “ưu đãi chồng ưu đãi”. Đồng thời, tài xế được chia sẻ doanh thu tới 87% khi tham gia cùng nền tảng Xanh SM Platform. Chiến dịch “Mùa hè xanh vì tương lai xanh” với ưu đãi thiết thực cho cả khách hàng và đối tác tài xế hứa hẹn sẽ giúp Xanh SM tăng tốc nhanh hơn nữa trên con đường chinh phục vị trí hàng đầu thị phần gọi xe tại VN.
“Cách nhanh nhất để thuyết phục khách hàng là đưa tới các chuyến gọi xe với giá dễ tiếp cận hơn, trong khi chuẩn mực dịch vụ tốt hơn. Khách hàng khi đã quen với việc di chuyển bằng xe điện và hiểu được tầm quan trọng của giao thông xanh, họ sẽ chọn gắn bó với xe điện”, chuyên gia thương hiệu Lê Thái Bình đánh giá việc mạnh tay giảm giá là cách Xanh SM lan tỏa lối sống xanh và khuyến khích xã hội chung tay chuyển đổi xanh thông qua chọn phương tiện giao thông không khói bụi, ô nhiễm.
Là đồng sáng lập một start-up công nghệ tại TP.HCM, đồng thời từng tham gia vận hành hệ thống của Uber khi ứng dụng này mới vào VN, anh N.Đ.C từng khẳng định nếu đặt mục tiêu chiếm thị phần chi phối thì DN Việt không thể đấu lại được các đối thủ ngoại.
Theo anh N.Đ.C, ứng dụng gọi xe không phải công nghệ chuyên sâu, không cần đòi hỏi trình độ lập trình xuất chúng mới làm được. Vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”. Grab, Uber khi mới khai mở thị trường phải “đốt tiền” qua khuyến mãi cho cả tài xế và người đặt xe để họ thử nghiệm, tham gia vào mô hình mới. Tài xế cần khuyến khích để huy động số lượng lớn trong thời gian ngắn, đảm bảo nhu cầu của người dùng, để họ thấy tiện lợi. Ngược lại, người dùng cũng cần bị hấp dẫn để đặt xe nhiều hơn, tăng thu nhập cho tài xế. Uber bị Grab thâu tóm, cũng bởi thua trong cuộc đua “đốt tiền”. Trong khi đó, DN Việt vừa vốn mỏng, bỏ 1 đồng là mong phải có lời ngay trên 1 đồng đó, không chấp nhận và cũng không đủ khả năng lỗ 3 – 5 năm, thậm chí tới 10 năm mới thu lời như các DN ngoại. Bên cạnh đó, chiến lược của các “ông lớn” ngoại cũng dài hơi hơn nhiều. Ngay từ khi bắt đầu vào VN, Grab, Uber hay Gojek đã xác định thị trường gọi xe chỉ là bước đệm để mở rộng thành hệ sinh thái gồm nhiều dịch vụ như gọi đồ ăn, giao nhận hàng hóa, thanh toán… Khi DN Việt vẫn còn loay hoay giành thị phần thì họ đã tiến tới các dịch vụ khác, “chiếm” trước các cửa hàng, nhà hàng, hộ kinh doanh, đối tác… DN Việt chậm hơn, vừa ít lựa chọn hơn, vừa phải bỏ thêm nhiều tiền để “giành giật” bằng khuyến mãi.
“Thế nhưng cuộc chơi giờ đã thay đổi. Xe điện lại càng khác hơn. Xe của VinFast tự sản xuất được, giá cost đầu tư rẻ hơn nhiều so với các hãng taxi truyền thống sử dụng xe xăng. Vì có lợi thế đó nên khi làm taxi điện, Xanh SM sẽ tăng trưởng và chiếm thị phần rất nhanh, thậm chí nhanh hơn nhiều so với Uber, Grab làm ngày trước. Cùng với đó, giai đoạn mở thị trường, tạo dựng thói quen cho người tiêu dùng là giai đoạn phải đốt nhiều tiền nhất thì các hãng Grab, Gojek, Be đã làm xong rồi, nên Xanh SM ra sau càng dễ lấy thị phần. Mặt khác, thị trường vốn đầu tư cũng đã thay đổi. Tình hình kinh tế khó khăn, các DN buộc phải lấy mục tiêu đạt dòng tiền dương để vận hành bộ máy. Ngay cả Grab và Gojek cũng phải đối mặt với giai đoạn đuối sức, không thể theo đuổi cuộc đua khuyến mãi được nữa. Nhìn chung, cái thời đi giành thị phần bằng giá đã qua rồi”, anh N.Đ.C phân tích.
Đúng như nhìn nhận của anh C., giá không còn là yếu tố tiên quyết khi người tiêu dùng lựa chọn đặt 1 cuốc xe. Không phải là người thường xuyên sử dụng xe công nghệ nhưng chị Trần Thanh Nga (ngụ Q.11, TP.HCM) có đầy đủ cả 4 ứng dụng gọi xe của Grab, Gojek, Be và Xanh SM trong điện thoại. Trước đây, thỉnh thoảng chị Nga sẽ đặt xe của mỗi hãng để so sánh giá nhưng hiện nay, hầu hết chỉ chị đặt xe của Xanh SM. “Dù giá có ngang nhau hoặc nhỉnh hơn một chút thì tôi vẫn ưu tiên Xanh SM. Xe xanh thuần điện không khói, xế xanh chuyên nghiệp tận tâm, ứng dụng xanh dễ dàng thao tác, nhìn chung là ưng. Lần nào tôi cũng chọn dịch vụ Luxury vì chỉ cao hơn giá cước xe thường vài ngàn đồng nhưng xe rất mới và dịch vụ rất tốt. Điều tôi thích nhất là xe êm và thân thiện với môi trường. Nói ra thì nhiều người bảo lý tưởng hóa, nhưng thực ra điều này rất quan trọng. Thế hệ con cái chúng ta cần quan tâm đặc biệt tới môi trường. Tôi chưa đủ điều kiện và sự tiện lợi để đổi phương tiện xe xăng sang xe điện, nhưng nếu đi xe công cộng thì chắc chắn sẽ sử dụng xe điện. Vì thế ngay cả đặt xe qua Be, tôi cũng chọn xe điện taxi xanh”, chị Nga nói.
“Ưu điểm lớn nhất của Xanh SM, với mình là êm. Đôi khi đi làm đầu ngày đã thấy đường đông đúc, hối hả tiếng còi xe, ngồi xe 2 bánh của Xanh SM thấy như bắt được “khoảng lặng” hiếm hoi, tự nhiên cũng thấy hứng khởi hơn. Mình thấy từ khi ra Xanh Bike thì các hãng khác cũng nâng dịch vụ lên hẳn, số lần gặp tài xế hãng khác mũ không được thơm cho lắm cũng ít đi. Chưa kể hiện số lượng xe Xanh Bike rất đông. Khu nhà mình giờ cao điểm gần như rất hiếm bắt được xe, bật mấy app cứ quay vòng vòng nhưng gọi Xanh kiểu gì cũng sẽ có xe”, Ngô Quỳnh Mai (26 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ.
Trong bài phân tích đăng trên trang Fulcrum.sg (Singapore), TS. Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên Chương trình nghiên cứu VN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore) đánh giá hoạt động kinh doanh của Grab tại VN có thể bị đe dọa bởi Xanh SM.
Điểm lại một số thành tích lịch sử của Xanh SM như nhanh chóng phủ dịch vụ thành công tại 29/63 tỉnh, thành trên khắp VN; triển khai dịch vụ tại 2 thành phố ở Lào, đánh dấu bước đầu tiên vươn ra quốc tế khi đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm… TS. Lê Hồng Hiệp phân tích: Đầu tiên, Xanh SM đối xử với các tài xế như nhân viên chứ không phải là nhà thầu hoặc đối tác. Với tư cách là nhân viên, tài xế được hưởng mức lương cố định hằng tháng, tiền thưởng hiệu suất và các lợi ích khác như 4 ngày nghỉ được trả lương mỗi tháng, bảo hiểm y tế và đóng góp bảo hiểm xã hội. Điều này không chỉ mang lại cho tài xế cảm giác an toàn mà còn nuôi dưỡng lòng trung thành đối với công ty. Họ cũng phải đảm bảo công việc khi theo quy định phải bật ứng dụng 8 giờ/ngày. Điều đó giúp Xanh SM luôn có lượng tài xế, xe đáp ứng nhu cầu di chuyển, đặc biệt vào giờ cao điểm, không xảy ra tình trạng tài xế thích thì chạy, không thích thì tắt app như các hãng khác.
Thứ hai, trong khi tài xế Grab phải chi khoản đầu tư ban đầu đáng kể để mua xe riêng trước khi có thể tham gia nền tảng, tài xế Xanh SM không phải chịu gánh nặng chi phí này vì phương tiện đều thuộc sở hữu của công ty. Vì vậy, nhiều tài xế Grab đã chọn cách cho thuê hoặc bán xe và chuyển sang lái xe cho Xanh SM.
Thứ ba, về chi phí vận hành, tài xế Grab không chỉ phải tự trang trải chi phí khấu hao cho phương tiện của mình mà còn phải đối mặt với chi phí xăng dầu, bảo dưỡng cao. Mặt khác, chi phí chính của tài xế Xanh SM là sạc pin cho xe của họ. Theo các tài xế, chi phí này có thể chỉ bằng 1/3 chi phí xăng dầu đối với ô tô truyền thống. Nhiều tài xế đã chuyển từ các ứng dụng khác sang Xanh SM cũng tiết lộ rằng ngoài chi phí hoạt động tốn kém, phí hoa hồng cao – lên tới 25% thu nhập hằng ngày – là nguyên nhân chính khiến họ thất vọng và chuyển sang Xanh SM.
Bên cạnh đó, sự phổ biến ngày càng tăng của Xanh SM một phần là do giá cước cố định cho các chuyến đi được đặt qua ứng dụng, trái ngược với giá cước dao động theo nhu cầu của các ứng dựng gọi xe trước đây. Với nhiều khuyến mại khác nhau, giá cước của hãng cũng có thể thấp hơn. Đồng thời, tài xế của Xanh SM được đánh giá là người lịch sự, thân thiện do được công ty đào tạo kỹ lưỡng và chú trọng đến chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, xe của hãng đều to, mới, sạch sẽ, giúp cho những chuyến đi của khách hàng trở nên thoải mái và thú vị.
Khách hàng cũng đánh giá cao Xanh SM là giải pháp giao thông xanh giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.
“Như vậy, dù có tuổi đời còn khá trẻ nhưng Xanh SM đang cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn bằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nếu công ty tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại, họ có thể sẽ truất ngôi Grab tại thị trường VN. Đây sẽ là một thành tựu lớn của VinFast và Vingroup”, TS. Lê Hồng Hiệp đánh giá.
Mặc dù vậy, mục tiêu lớn nhất của Xanh SM không phải giành thị phần. Tổng giám đốc GSM toàn cầu Nguyễn Văn Thanh khẳng định, mục tiêu của Xanh SM là “số 1 trong lòng khách hàng” và mong muốn cùng cả xã hội chung tay vì một VN xanh hơn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/goi-xe-cong-nghe-xe-dien-thay-doi-cuoc-choi-18524062922340298.htm