Công nghệ xe điện không có lỗi
PGS-TS Đàm Hoàng Phúc (ĐH Bách khoa Hà Nội) lý giải sau vụ cháy chung cư mini kinh hoàng tại Hà Nội vừa qua, cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức nào về nguyên nhân gây ra hỏa hoạn nhưng có thể người ta nhìn thấy trong khu vực hiện trường có xe máy điện nên họ cho đó là thủ phạm. Và trong những ngày qua, đâu đó ở các chung cư xuất hiện một cách tự phát việc cấm đoán loại phương tiện này. “Những hành vi ngăn cấm tuyệt đối xe điện theo tôi là hành động cực đoan. Bởi vì những giải pháp đưa ra phải dựa trên góc độ kỹ thuật cũng như có cái nhìn toàn diện vấn đề. Đó cũng là hành động theo kiểu thói quen lâu nay của nhiều người là cứ có nguy cơ thì cấm hoàn toàn”, ông Phúc nhận xét.
Cũng theo TS Phúc, từ các nước châu Âu đến Mỹ và cả Trung Quốc đều đang thúc đẩy sự phát triển xe điện cũng như các phương tiện giao thông công cộng bằng điện. VN cũng theo dòng hòa nhập, phát triển công nghệ và dần điện hóa phương tiện giao thông đường bộ. Đây là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là tại VN còn tồn tại một số vấn đề cần cải thiện. Cụ thể như trên thị trường vẫn có những sản phẩm chưa đạt chuẩn, thậm chí có nhiều người “độ, chế” lại hay thay đổi cấu tạo của xe, điều này gây ra những mối nguy tiềm ẩn cho cộng đồng và cho người tiêu dùng nói chung. “Thấy được điều này để chúng ta có những giải pháp hạn chế, ngăn chặn những phương tiện kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn kiểm định xuất hiện trên thị trường. Vừa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và cũng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo sự bình đẳng cho những doanh nghiệp sản xuất nghiêm chỉnh, uy tín”, ông Phúc nói.
Ông Phạm Tuấn Khởi, Tổng giám đốc Công ty Hành Trình Xanh
Từ nước Đức, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về động cơ và kiểm định khí thải, chia sẻ: “Ở Đức, các phương tiện dùng điện cũng đều được sạc pin trong nhà nhưng chưa có một trường hợp xe điện nào cháy cả. Vấn đề không phải lỗi ở công nghệ xe điện. Mấu chốt ở đây chính là khâu kiểm định. Ở Đức, bất cứ sản phẩm nào sử dụng điện cũng đều được kiểm định nghiêm ngặt, khoa học trong mọi tình huống va đập, tải trọng, ngập nước… Nếu làm chắc khâu kiểm định thì công nghệ xe điện không phải là nguy cơ cháy nổ cao”.
Thực tế, hiện nay trên thế giới không chỉ có một số thương hiệu chuyên sản xuất xe điện như Tesla (Mỹ) hay Vinfast (VN) mà hầu hết các thương hiệu xe ô tô đều đầu tư và đặt trọng tâm vào phân khúc xe điện vì đây là tương lai của ngành công nghiệp ô tô. Gần đây, dù thương hiệu xe Chevrolet phải triệu hồi toàn bộ xe điện Bolt sản xuất trong giai đoạn 2017 – 2022 vì nguy cơ cháy nổ thì trên thực tế cũng chỉ có 5 vụ cháy xảy ra trong gần 142.000 xe trên thị trường.
Cấm xe điện, có cấm tủ lạnh, máy lạnh…?
Bộ phận quan trọng nhất trên xe điện là pin, thường bị nhầm tưởng là nguyên nhân gây cháy xe. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết công nghệ được sử dụng trong pin xe điện được thiết kế đặc biệt để đảm bảo an toàn. Không giống như xăng bốc cháy ngay khi gặp tia lửa hoặc ngọn lửa, pin lithium-ion cần thời gian mới đạt được nhiệt lượng cần thiết để đánh lửa. Trong khi đó, hệ thống pin trên xe điện được bảo vệ bằng lớp kim loại dày để giảm thiểu nguy cơ. Hơn thế, hộp pin trên xe điện là tập hợp của vô số module riêng rẽ, mỗi module đều có hệ thống “cầu chì” riêng để ngắt điện theo từng bộ phận, giúp giảm nguy cơ cháy nổ.
TS Nguyễn Duy Khiêm, chuyên gia về điện từ Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) nhấn mạnh: Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt thì việc phát triển năng lượng tái tạo để thay thế là xu hướng tất yếu. Đi kèm với xu hướng này là các thiết bị mới mà nổi bật trong những năm gần đây là xe điện. Nguyên tắc chung thì mọi thứ đều có sự rủi ro nhưng theo logic của sự phát triển thì những phát minh sau sẽ có độ an toàn cao hơn. Nếu mọi người lo lắng về sự không an toàn của xe điện hay pin thì xe
ô tô xăng cũng có bình xăng chứa đến vài chục lít, là đối tượng có nguy cơ cao. Theo ông, không nên vì một vài sự cố nào đó, chưa xem xét rõ nguyên nhân vấn đề mà có những phản ứng thiếu cơ sở khách quan. “Nguyên nhân mất an toàn về thiết bị nói chung chủ yếu là do cách thức chúng ta sử dụng, vận hành và kể cả bảo trì, bảo dưỡng nó. Đối với các thiết bị điện, tôi nhận thấy sự cố thường có nguyên nhân từ đường dây hoặc ổ cắm điện. Khi chúng ta đưa vào và rút ra thường xuyên dễ làm ổ cắm và đầu cắm của thiết bị không còn dính chặt vào nhau trong quá trình sạc. Điều này làm điện năng thất thoát và biến thành nhiệt năng, lâu ngày dẫn đến hư hỏng và các nguy cơ mất an toàn”, TS Khiêm giải thích.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy VN (VAMM), trong nước hiện có khoảng 4 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành. Còn theo dự báo của Motorcycles Data, xe máy điện tại VN sẽ đạt tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, trong tương lai gần. Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Ông Phạm Tuấn Khởi, Tổng giám đốc Công ty Hành Trình Xanh, một doanh nghiệp hoạt động mạnh trong lĩnh vực cộng đồng, chia sẻ: Xu hướng chung hiện nay ở các quốc gia trên thế giới cũng như ở VN là tăng cường công nghệ xanh, giảm thiểu rác thải, khí thải, xây dựng cộng đồng lành mạnh. Theo Bộ Công thương, doanh số tiêu thụ xe máy điện tại VN đã tăng khoảng 30 – 35% trong những năm gần đây, đưa VN trở thành thị trường xe máy điện lớn nhất ASEAN và đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. “Nếu nói về nguy cơ thì xe xăng cũng có thể gây cháy. Hay như sạc pin điện thoại, bếp từ hay tủ lạnh cũng có thể cháy… Nếu cấm xe điện, không lẽ cấm hết các vật dụng đó?”, ông Khởi đặt vấn đề và nói thêm: “VN cũng như nhiều nước đang áp dụng những chính sách khuyến khích người dân chuyển sang dùng xe điện. Vấn đề ở đây là phải kiểm soát các phương tiện kém chất lượng, thiếu kiểm định. Bên cạnh đó phải quy hoạch, bố trí những khu vực sạc pin riêng biệt, an toàn cho xe điện chứ không phải cấm xe điện”.
Theo tổng hợp của trang Autoinsuranceez từ dữ liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (Mỹ), số liệu được cập nhật vào tháng 11.2022 cho thấy tỷ lệ xe điện bị cháy chỉ là 25,1 vụ trên 100.000 xe, so với con số 1.529 trên 100.000 xe động cơ đốt trong. Nói cách khác, số vụ cháy nổ xe xăng dầu cao hơn tới 61 lần so với xe điện.