Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ. Nhiều năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường được Trường THPT Giao Thủy chú trọng nhằm góp phần rèn nền nếp học tập, ứng xử văn hóa cho học sinh, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội, củng cố, xây dựng các mối quan hệ thân thiện trong nhà trường: giữa giáo viên với giáo viên, thầy với trò, học sinh với học sinh.
Việc xây dựng văn hóa học đường của nhà trường được thực hiện toàn diện các mặt trong môi trường sư phạm, gồm: Cơ sở vật chất, môi trường quan hệ, môi trường công việc, hành vi, cử chỉ, các mối quan hệ trong nội bộ nhà trư ờng. Để có được môi trường giáo dục văn minh, lành mạnh, phát triển, trước tiên nhà trường đã tổ chức các hoạt động nhằm giữ gìn, bảo vệ, xây dựng cơ sở vật chất khang trang, các phòng học đều được kiên cố hóa, thoáng mát và ánh sáng đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc gia; từ phòng học và các thiết bị sử dụng cho học tập, tới phòng thư viện, sân thể thao, phòng thí nghiệm… đều được bảo quản và sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng xây dựng cảnh quan nhằm tạo môi trường thân thiện, an toàn, lành mạnh và giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường xung quanh; thực hiện các phong trào “xanh hóa” lớp học làm cho khuôn viên nhà trường sạch, đẹp; học sinh có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm huy động các thành viên trong nhà trường cùng tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện.
Một tiết sinh hoạt dưới cờ của học sinh Trường THPT Giao Thủy. |
Đặc biệt, nhà trường chú trọng xây dựng chuẩn mực đạo đức của nhà quản lý, lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh về lối sống, hành vi, cư xử, trong các mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên, nhân viên với nhân viên; cán bộ, giáo viên với học sinh, phụ huynh, giữa học sinh với nhau; chú ý khuyến khích tinh thần chia sẻ, yêu thương, cùng nhau tiến bộ, cùng tôn trọng. Đối với tập thể sư phạm nhà trường, nhà trường chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của người giáo viên. Bởi người thầy không chỉ truyền thụ về tri thức mà còn giáo dục về nhân cách cho học sinh, thông qua “dạy chữ” để “dạy người”. Vì thế, bản thân mỗi thầy giáo, cô giáo phải luôn nỗ lực là tấm gương sáng về đạo đức. Vào đầu mỗi năm học, nhà trường tổ chức đăng ký thi đua, đề ra chương trình hành động của mỗi cá nhân và tập thể, cam kết thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, quyết tâm xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết vững mạnh, mỗi cá nhân thầy, cô giáo phấn đấu là một mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, thật sự yêu thương và tôn trọng nhân cách của học sinh. Nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ các hội nghị học tập chuyên đề về học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai đến tất cả đảng viên trong chi bộ đăng ký, cam kết nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề của từng năm 2021, 2022, 2023. Đặc biệt, năm 2023, với chuyên đề: “Thực hiện nghiêm túc việc dạy và học nội dung lồng ghép, tích hợp về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho học sinh các lớp, qua các bài giảng, giáo viên giúp học sinh hiểu biết về Bác, về quá khứ, cội nguồn của dân tộc; giáo dục cho các em ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước, đồng thời giáo dục tư tưởng, đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho học sinh. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục, nhà trường quan tâm công tác bồi dưỡng đội ngũ; động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng học hỏi, tự cập nhật, trau dồi kiến thức chuyên môn, khắc phục khó khăn, nâng tầm để đáp ứng chương trình mới; trao đổi, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các trao đổi, hội giảng, dự giờ, sinh hoạt tổ chuyên môn, hội thảo khoa học, dự tập huấn.
Đối với học sinh, tập trung giáo dục tinh thần chăm chỉ học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân; luôn có ý thức giữ gìn bảo vệ của công nơi mình học tập; nêu cao tinh thần đoàn kết với bạn bè, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện; giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Thông qua tổ chức các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cho học sinh nhà trường nhằm lồng ghép giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Quan tâm tạo điều kiện cho học sinh có được sân chơi bổ ích sau giờ học căng thẳng bằng các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, sinh hoạt tập thể vui tươi, lành mạnh… Các giờ sinh hoạt dưới cờ đươc nhà trường khai thác, đổi mới hình thức nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh qua việc tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình của lớp, trong trường; nêu gương người tốt, việc tốt ngoài xã hội để học sinh học tập, noi theo; phát huy các ứng dụng công nghệ số như fanpage, facebook, website; chuyên mục “Mỗi ngày một câu chuyện tốt” trên website được cập nhật nội dung thường xuyên; giúp học sinh nhận thức việc rèn luyện bản thân nhằm hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, nhân cách được thể hiện từ những việc rất nhỏ như: đi học đầy đủ, đúng giờ, nghiêm túc trong học tập và thi cử, có thái độ tôn trọng thầy, cô giáo…
Việc đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường đã giúp nhà trường tạo được một môi trường học đường thân thiện, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, mọi thành viên trong trường quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực hoạt động vì sự phát triển chung của nhà trường. Thông qua việc đẩy mạnh xây dựng văn hoá học đường, Trường THPT Giao Thuỷ đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào: Năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023, trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và được lên lớp đều đạt 100%; 100% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11,12 cấp tỉnh, trường đều đạt giải Nhất; trường giữ vững thành tích đạt chuẩn kiểm định cấp độ 3, chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận